Sự cố hy hữu xảy ra ở Toronto, Canada được đề cập đến trong một báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y học SAGE hồi tuần trước. Trong đó, các bác sĩ mô tả cách một túi độn ngực silicon đã giúp đẩy chệch hướng viên đạn khỏi các cơ quan nội tạng của một phụ nữ 30 tuổi như thế nào.
Túi độn ngực silicon bên trái đã khiến viên đạn chuyển hướng không găm vào tim và phổi của nữ bệnh nhân. Ảnh: CNN |
Chia sẻ trên CNN, chuyên gia phẫu thuật Giancarlo nói, đây là một trong số ít trường hợp được y học ghi nhận về vai trò cứu mạng người dùng của túi độn ngực và là trường hợp đầu tiên kiểu này đối với túi độn silicon.
Theo các chuyên gia, hiện có hai loại túi độn ngực được phê chuẩn lưu hành ở Mỹ. Cả hai đều có lớp vỏ ngoài bằng silicon, nhưng một loại chứa nước muối và loại còn lại chứa gel silicon. Chúng đa dạng về kích cỡ, độ dày của lớp vỏ, kết cấu và hình dạng bề mặt vỏ.
Các túi độn thường được cấy ghép để tăng kích thước "núi đôi" hoặc để tái dựng mô vú, chẳng hạn như sau phẫu thuật cắt bỏ hoặc tổn thương khác đối với vòng một.
Chuyên gia McEvenue kể, bệnh nhân nữ bước vào một phòng cấp cứu ở Toronto sau khi bị bắn vào ngực. Các bác sĩ vô cùng kinh ngạc khi thấy cô vẫn đủ tỉnh táo để trò chuyện. Viện đạn găm vào ngực bên trái của bệnh nhân nhưng xương sườn bị gãy lại nằm bên phần ngực phải.
Kết quả kiểm tra hé lộ, viên đạn xuyên qua da bên ngực trái của cô gái đầu tiên, rồi sau đó ngoặt qua xương ức của cô và găm vào thành ngực trước bên phải, làm gãy một xương sườn ở phía này. Túi độn ngực trái đã làm chuyển hướng viên đạn. Nó bị vỡ sau sự cố, nhưng đã giúp chủ nhân thoát khỏi các vết thương nghiêm trọng hơn, vốn có thể đe dọa tính mạng của cô.
Các bác sĩ sau đó đã tháo các túi độn ngực của nữ bệnh nhân, điều trị vết thương và kê thuốc kháng sinh giúp cô hồi phục.
Tuấn Anh