Do ngân sách hạn chế, nguồn vốn xã hội hóa không thu hút được, hầu hết các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam (11 dự án giai đoạn 1, 12 dự án giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm  2025) đều chưa bao gồm trạm dừng nghỉ. 

Theo Bộ GTVT, hạng mục trạm dừng nghỉ được tách ra làm dự án riêng để đầu tư theo hình thức xã hội hóa thay vì sử dụng vốn ngân sách. Ngoài ra, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ người dân đối với một số đoạn mới hoàn thành đưa vào khai thác.

Trong đó, một loạt tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác như: Mai Sơn- QL45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều chưa có trạm dừng nghỉ. Điều này gây không ít khó khăn cho người điều khiển phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc dài cũng như hành khách trên xe. 

Tại cuộc họp ngày 1/4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn theo trình tự rút gọn, thời gian lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ ngắn nhất.

Bộ trưởng chỉ đạo, trước mắt các ban quản lý dự án nghiên cứu làm một số điểm vệ sinh tạm tại vị trí đã được quy hoạch trạm để phục vụ người dân.

W-tram-dung-nghi-ma-ql45-1.jpeg
Nhà vệ sinh tạm trên tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45. Ảnh: V. Long 

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, năm 2023, Bộ GTVT đã phê duyệt hệ thống trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 trạm.

Trong đó có 9 trạm đã và đang đầu tư xây dựng, 1 trạm do địa phương quản lý sẽ triển khai khi đầu tư là cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; 2 trạm do Tổng Cty đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Trung Lương).

“Chúng tôi đang triển khai thủ tục đầu tư và 24 trạm do Bộ GTVT quản lý. Trong đó có 21/24 trạm dừng nghỉ đã lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn thực hiện lập hồ sơ, 3/24 trạm dừng nghỉ còn lại gồm: Dự án thành phần đoạn La Sơn - Hòa Liên hiện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đang thống nhất vị trí; dự án thành phần đoạn hầm Đèo Cả đang được Ban 85 rà soát các thủ tục pháp lý, phương án đầu tư; đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang thực hiện các thủ tục để bổ sung hạng mục trạm dừng nghỉ trong quyết định đầu tư dự án”, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin.

Đối với 8/10 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 gồm: Mai Sơn- QL45; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Phan Thiết - Dầu Giây; Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết, các Ban Quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, mở thầu và dự kiến lựa chọn xong nhà đầu tư trong tháng 6 và hoàn thành giữa năm sau.

“13 trạm dừng nghỉ còn lại gồm 2/10 trạm dừng nghỉ giai đoạn 1 (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Cam Lộ - La Sơn) và 11 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 2 tư vấn đang thực hiện lập hồ sơ đề xuất dự án”, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam nói.  

Với 8 trạm dừng nghỉ của các dự án giai đoạn 1, Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết khi có nhà đầu tư, đề nghị Ban QLDA đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu để có biện pháp ưu tiên thi công hạ tầng, phương án bố trí các công trình tạm phục vụ người tham gia giao thông trong thời gian ngắn nhất (tối đa 2 đến 3 tháng).

“Như vậy, có thể đưa vào sử dụng 5 trạm dừng nghỉ tạm trong tháng 8, 3 trạm dừng nghỉ tạm vào sử dụng trong tháng 10 và đến tháng 11 thêm trạm tạm tuyến Quốc lộ 45- Nghi Sơn thì sẽ đảm bảo các tuyến cao tốc đã thông xe đều có vị trí dừng nghỉ tạm phục vụ người dân”, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin. 

Trao đổi thêm với VietNamNet, ông Lương Văn Long, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân khi lưu thông trên tuyến, đơn vị đã xây dựng nhà vệ sinh tạm hai bên đường tại đoạn qua huyện Đông Hóa (tỉnh Thanh Hóa) từ cuối năm 2023. Khu vực có diện tích khoảng 7.000m2, có thể đỗ 10 xe tải hoặc 20 xe con.