Khách quan mà nói, thói hẹp hòi, ganh ghét, đố kỵ ở đâu cũng có, thời nào cũng có, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam; từ nước nghèo đến nước giàu; từ người nghèo khó, đến người giàu có; từ người ít học, không chức tước đến người mang đầy chức danh, tước vị. Chỉ có điều là người có thói xấu đó nhiều hay ít.
Ở nước ta, phải thẳng thắn thừa nhận thói đố kỵ, hẹp hòi của con người ở giai tầng nào cũng có. Thậm chí đã thành châm ngôn trong dân gian: "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt!".
Bài viết này xin có đôi điều bàn về vế "Giàu thì nó ghét” trong câu châm ngôn này và chỉ xin phép đề cập nguyên nhân khách quan của thói đố kỵ, ganh ghét người giàu ở nước ta.
Thói hẹp hòi, ganh ghét, đố kỵ của con người bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Để có cái nhìn thực tế, khách quan về vấn đề này cần phải gắn nó với hoàn cảnh lịch sử, cụ thể dưới đây:
Thứ nhất, trong một thời gian dài trước Đổi Mới, vừa do hoàn cảnh lịch sử, vừa do những sai lầm về nhận thức cho nên đã đánh đồng những người giàu có bất bất minh với những người giàu có chân chính (được thừa kế tài sản hợp pháp từ ông bà, cha mẹ; hoặc do cần cù, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, căn cơ trong cuộc sống ...). Nhận thức chung của xã hội bị sai lệch về bản chất đạo đức và tài sản của những người giàu có chân chính.
Từ nhận thức sai lệch đó, quan niệm chung của xã hội thời bấy giờ cho rằng tất cả những người giàu có là những kẻ chiếm đoạt công sức, thành quả lao động của người khác. Vì vậy, bất kể người làm giàu bất minh hay người giàu có chính đáng đều bị cộng đồng ứng xử, kỳ thị một cách thái quá.
Đến nay, quan niệm này vẫn còn rơi rớt, vì vậy những người giàu có chân chính vẫn bị đố kỵ, ganh ghét.
Thứ hai, từ sau Đổi Mới đến nay, do chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, cho nên từ nền quản trị quốc gia đến hệ thống quản lý nhà nước, nhất là trong xây dựng và thực thi pháp luật chưa theo kịp đặc điểm phức tạp của kinh tế thị trường định hướng XHCN, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Điển hình nhất là sự ra đời các nhóm lợi ích, cấu kết với nhau để trục lợi. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tham nhũng được phát hiện, xử lý ở các cấp, các ngành.
Thực trạng đó là môi trường lý tưởng để những ông chủ doanh nghiệp làm ăn phi pháp và cán bộ thoái hóa biến chất cấu kết với nhau làm giàu bất chính. Sự giàu có bất thường, không chính đáng của những kẻ trong các nhóm lợi ích không chỉ làm thất thoát một khối lượng tài sản và tài nguyên quốc gia vô cùng lớn mà còn dẫn đến bất công xã hội sâu sắc, làm cho người dân vô cùng bất bình.
Khi người dân cũng như công luận chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa những người giàu có chân chính với những người giàu có phi pháp, rất dễ dẫn đến tình trạng tất cả người giàu dù tốt hay xấu đều bị ganh ghét, đố kỵ.
Có thể khẳng định, ngoài nguyên nhân chủ quan của mỗi cá nhân, hai vấn đề trên đây nằm trong các nguyên nhân khách quan làm cho cộng đồng không chỉ bất bình đối với những kẻ làm giàu bất minh mà còn làm cho một bộ phận cư dân trong xã hội đố kỵ, ganh ghét đối với cả những người giàu có chân chính. Đây là trạng thái tình cảm nguy hại, nó không chỉ là sự níu kéo giữa các cá nhân để rồi cùng ngụp lặn trong cuộc sống đói nghèo mà còn là lực cản rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Bởi vì, khi mà trong xã hội nhiều người có thói xấu chỉ mong muốn mình trở nên giỏi giang, giàu có nhưng lại đố kỵ, ganh ghét người khác giỏi giang, giàu có hơn mình thì quốc gia khó có thể hưng thịnh, văn minh. Tóm lại thói đố kỵ, hẹp hòi sẽ dìm nhau trong nghèo nàn, lạc hậu.
Lịch sử nhân loại cho thấy, những quốc gia mà ở đó không có môi trường và không gian thuận lợi để người giỏi phát huy tài năng, người dân làm giàu chính đáng, tất cả mọi người đều sống trong nghèo khó và tất yếu không bao giờ có quốc gia giàu mạnh.
Lịch sử nhân loại cũng đã minh chứng người giàu đóng vai trò nòng cốt, đầu tàu đối với sự giàu có, hùng mạnh của quốc gia. Quốc gia nào càng nhiều người giàu thì quốc gia đó càng giàu có, hùng mạnh.
Theo số liệu mới nhất do Forbes công bố, Mỹ là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới, với 735 tỷ phú; tiếp đến Trung Quốc 539, Ấn Độ 166, Đức 134 tỷ phú. [1] Đây cũng là 4 trong số 5 quốc gia có quy mô GDP cao nhất thế giới hiện nay. Trong đó, Mỹ đứng ở vị trí thứ nhất, GDP năm 2021 đạt: 22,996 nghìn tỷ USD (chiếm 24,7% GDP toàn cầu); Trung Quốc xếp vị trí thứ hai, GDP năm 2021 đạt: 17,734 nghì tỷ USD.
Có thể khẳng định những người tạo lập được tài sản giàu có chân chính là những tài năng đáng trân trọng. Họ không chỉ làm giàu cho cá nhân và gia đình mà còn tạo ra việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội, đó là động lực phát triển của mối quốc gia.
Không những vậy, họ là tầng lớp đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra nguồn thu ngân sách (thông qua đóng thuế và các loại phí) để thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của đất nước.
Ở hầu hết các nước Châu Âu, Bắc Mỹ... tiền đóng thuế của người giàu (chủ yếu là các chủ doanh nghiệp tư nhân) và người có thu nhập cao là nguồn thu ngân sách quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia. Mặt khác, tầng lớp người giàu cũng là những mạnh thường quân đóng vai trò đầu tàu trong việc hình thành, duy trì các quỹ nhân đạo.
Từ nguồn phúc lợi của nhà nước và các qũy nhân đạo, hầu hết các quốc gia thuộc Châu Âu, Bắc Mỹ... đã đạt được những thành tựu rực rỡ về thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Trước hết là thực hiện hệ thống các định chế, các chính sách và các hoạt động nhằm bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân, với mục tiêu mọi người dân có được một cuộc sống đàng hoàng, tử tế, xứng đáng với phẩm giá con người.
Điển hình là trợ cấp thất nghiệp, chăm sóc người già, người tàn tật, cô đơn; bảo hiểm y tế; giáo dục miễn phí từ bậc trung học cơ sở trở xuống, thậm chí cả trung học phổ thông... Đặc biệt các quốc gia Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Ireland, Iceland, Cộng hòa Czech... thực hiện chính sách đào tạo miễn phí cho sinh viên đại học.
Ở Việt Nam, hàng chục năm qua, các doanh nhân và những người có thu nhập khá trong cộng đồng ngoài việc đóng thuế, đóng phí vào ngân sách theo nghĩa vụ, đã có nhiều hình thức hoạt động thiện nguyện thiết thực. Góp phần thực thiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; và các hoạt động tri ân, nhân đạo, từ thiện từ phạm vị quốc gia đến địa phương, làng xã, dòng họ...
Từ một vài minh chứng về vai trò, vị trí của người tài và người giàu có chân chính đối với mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia cho thấy tầm quan trọng của họ trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Vì vậy, cần phải xóa bỏ bản tính đố kỵ, hẹp hòi để hình thành tình cảm trân quý, trọng dụng người tài và người giàu có chân chính. Có như vậy đất nước mới thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu để trở thành quốc gia hùng cường, văn minh.
Nguyễn Huy Viện