Thông tin từ Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, ngày 27/4, bệnh nhân là anh N.V.T. Anh T. bị đau bụng nhiều vùng hố chậu phải, đã đến khám tại phòng khám tư với chẩn đoán theo dõi viêm ruột thừa và được chuyển đến bệnh viện tỉnh.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc, viêm ruột thừa và chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa cấp cứu. Trong phẫu thuật, bác sĩ phát hiện có dị vật là tăm tre nhọn chọc thủng đại tràng của bệnh nhân. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm ruột thừa thứ phát.
Ê-kíp phẫu thuật đã gắp ra 4 chiếc tăm tre nhọn với độ dài khoảng 4cm đồng thời khẩu thủng đại tràng, cắt ruột thừa. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, tiếp tục điều trị kháng sinh, chống viêm.
Anh T. cho biết thường có thói quen ngậm tăm nằm xem tivi và khi ngủ nên đã từng nhiều lần nuốt tăm vào bụng, có lần anh còn đi ngoài ra tăm.
Nuốt tăm tre và bị tăm đâm thủng tạng là tai nạn không hiếm. Đây cũng được coi là hóc dị vật nhưng nguy hiểm hơn nhiều so với hóc xương. Đó là do theo thời gian, xương cá có thể bị các dịch vị ở dạ dày ăn mòn, phá hủy nhưng riêng với tăm tre nhọn khi trôi đến đâu sẽ gây nguy hiểm tới đó.
Thông thường khi tăm rơi vào đường tiêu hóa sẽ gây chảy máu, áp-xe, tạo thành ổ viêm, khối u hoặc đâm thủng ruột và dịch chảy vào ổ bụng, gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc… đe dọa tính mạng người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ngậm tăm sau xỉa răng, nhất là khi nằm, khi ngủ. Tuyệt đối không nên bẻ đôi tăm, không nên vừa xỉa răng, ngậm tăm vừa nói chuyện để tránh bị hóc tăm.
Khi bị hóc tăm tuyệt đối không nên chữa mẹo hay xử lý tại nhà bằng biện pháp dân gian. Các phương pháp như nuốt cơm, nuốt một số loại quả, vỏ, lá… chữa hóc rất rủi ro, càng làm tăm đâm sâu vào thực quản, gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp nuốt trôi xuống đường tiêu hóa dưới cũng có thể đâm vào dạ dày, ruột gây thủng. Nếu không may bị hóc tăm, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám và xử trí phù hợp.