Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia), Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đều đang xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Với các tỉnh Nam Bộ, nắng nóng trong giai đoạn này là bình thường theo quy luật trung bình nhiều năm.
Với các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ, nắng nóng đến sớm so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân là do tác động của vùng thấp phía Tây cộng thêm tác động của hiệu ứng gió phơn.
Ông Hưởng cho biết, trong ngày 22-23/3, Bắc Bộ nắng nóng diện rộng, tập trung chính ở đồng bằng, tỉnh Lai Châu, Sơn La và Hoà Bình. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 37 độ. Từ 24/3 trở đi, nắng nóng ở các tỉnh Bắc Bộ xu hướng giảm dần.
Tại Trung Bộ, nắng nóng sẽ kéo dài liên tục từ nay tới 24/3 và có xu hướng giảm dần từ 25/3. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-38 độ. Vùng núi phía Tây các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An khả năng có mức nhiệt cao 39-40 độ, thậm chí trên 40 độ. Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng là những vùng trọng tâm nắng nóng của đợt này.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sau đợt nắng nóng này, từ ngày 25/3, khu vực Bắc Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh. Sau đó không khí lạnh suy giảm hơn về tần suất và cường độ.
Không khí lạnh gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên vùng biển. Ngoài ra hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống trên phạm vi toàn quốc.
Do tác động của không khí lạnh, nền nhiệt các tỉnh miền Bắc giảm so với những ngày nắng nóng trước đó từ 8-9 độ. Thủ đô Hà Nội từ ngày 25/3, nhiệt độ giảm xuống còn 21-27 độ, trời có mưa rào và giông.
Nắng nóng tiếp tục có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Trung Bộ trong tháng 4. Từ nay tới 20/4, Nam Bộ xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.