Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 12/5, ở khu vực Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ như: Biên Hòa (Đồng Nai) 38.6 độ, Trị An (Đồng Nai) 38.2 độ, Thủ Dầu Một (Bình Dương) 38.1 độ…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-55%.
Ngày 13-14/5, khu vực Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Ngày 15/5, nắng nóng còn duy trì ở khu vực miền Đông Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.
Cơ quan khí tượng dự báo, từ ngày 16/5, nắng nóng ở khu vực Nam Bộ có khả năng kết thúc.
Như vậy tính đến nay, khu vực Đông Nam Bộ đã trải qua hơn 65 ngày nắng nóng liên tiếp. Đây là đợt nắng nóng đạt mức kỷ lục mới so với năm 2016.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nguyên nhân nắng nóng kéo dài ở TPHCM và Nam Bộ chủ yếu do hệ thống thời tiết trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Nam Trung Bộ hoạt động mạnh chi phối chính đến thời tiết khu vực này. Đây là trường phân kỳ nên làm hạn chế bốc hơi nước, không khí bị khô, độ ẩm không khí thấp, khó đạt điều kiện hình thành mây nên bức xạ Mặt Trời chiếu trực tiếp xuống, làm cho nhiệt tăng cao.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng đã dự báo, số ngày nắng nóng năm nay sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm, nên khả năng thời gian bắt đầu mùa mưa đến muộn hơn các năm, khoảng từ giữa đến cuối tháng 5.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024.
Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan, nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai khí tượng thủy văn phức tạp.
Nhiều đợt mưa lớn kéo dài ở Nam Bộ
Khoảng 10 ngày gần đây, mưa giông đã xuất hiện rải rác về chiều tại các tỉnh, thành Nam Bộ. Trong giai đoạn chuyển mùa này, mưa giông thường kèm gió giật và sấm sét nguy hiểm.
Ông Cường nhận định, trong giai đoạn nửa cuối tháng 5, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh dần, nên mưa có khả năng gia tăng hơn; nắng nóng cũng giảm.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nói thêm, thời gian bắt đầu mùa mưa ở Nam Bộ thường gắn chặt với thời gian bắt đầu hoạt động của gió mùa tây nam.
Theo nhận định, nửa cuối tháng 5, gió mùa tây nam sẽ hoạt động mạnh hơn, đều hơn, mùa mưa nhiều khả năng sẽ diễn ra vào thời điểm này. Giữa tháng 5, Bình Phước và Bắc Đồng Nai khả năng xuất hiện mưa trước, sau đó là Cà Mau, Kiên Giang, miền Đông Nam Bộ. Các nơi khác ở miền Tây bước vào mùa mưa khoảng nửa cuối tháng 5.
Trước mắt, từ 16-23/5, Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, thời gian mưa tập trung vào chiều và tối.
Các chuyên gia khí tượng thống kê, những năm xuất hiện La Nina, gió mùa tây nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn, do đó, trong mùa mưa năm nay, khả năng sẽ có những đợt mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày.
Cơ quan khí tượng lưu ý: Mưa đầu mùa chứa nhiều axit độc hại, đặc biệt ở những nơi gần khu công nghiệp, không nên sử dụng để nấu nướng, sinh hoạt; đặc biệt, không dùng để tắm dễ bị viêm da, dị ứng. Trường hợp bị mưa ướt phải nhanh chóng tắm rửa để tránh những bệnh về da do nước mưa chứa chất ô nhiễm. Người dân cũng cần lưu ý, không tích trữ nước mưa trong dụng cụ có chì, tôn, kẽm; thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước mưa và đậy nắp; khi sử dụng để tưới tiêu, sản xuất, sinh hoạt thì nên sử dụng các biện pháp lọc. Những trận mưa đầu mùa thường đi kèm giông lốc, sấm sét và gió giật nguy hiểm, người dân cần gia cố nhà cửa và tìm nơi tránh trú an toàn khi cơn mưa kéo đến. |