Giáo hoàng Francis vừa qua đời nhưng thông điệp đặc biệt ông để lại trong cuốn tự truyện "Hy vọng" rất ý nghĩa "hãy sống và luôn hy vọng giữa thế giới đầy biến động".
Cuốn sáchHy vọng của Giáo hoàng Francis không chỉ đơn thuần là hồi ký về hành trình cá nhân mà còn mang thông điệp về niềm hy vọng sâu sắc, đặc biệt ý nghĩa trong mùa lễ Phục sinh - mùa của sự sống lại và đổi mới.
Trong cuốn sách Hy vọng, Giáo hoàng Francis kể lại hành trình từ thời thơ ấu tại khu phố Flores ở Buenos Aires - nơi ngài sống giữa cộng đồng đa tôn giáo và đa văn hóa, cho đến những trải nghiệm sâu sắc trong triều đại Giáo hoàng.
Giáo hoàng Francis. Ảnh: Sách Nhân Dân
Hy vọng cũng thể hiện rõ nét phong cách mục vụ đặc trưng của Giáo hoàng Francis - gần gũi, chân thành và đầy cảm hứng. Thông qua những câu chuyện đời thường, ngài nhấn mạnh hy vọng không phải là sự lạc quan mù quáng mà là một cam kết kiên định vào khả năng phục hồi, đổi mới và xây dựng lại từ đổ vỡ.
Cuốn sách cũng đề cập đến những biến cố lớn của thế giới và Giáo hội: từ cuộc đảo chính ở Argentina năm 1976 đến đại dịch Covid-19. Mỗi sự kiện được nhìn qua lăng kính đức tin và lòng thương xót, phản ánh chiều sâu tâm linh của Giáo hoàng Francis.
Đức Giáo hoàng viết: "Một cuốn tự truyện không phải là câu chuyện cá nhân của riêng chúng ta mà là hành trang ta mang theo suốt đời. Và ký ức đâu chỉ là những gì chúng ta nhớ lại, đó còn là tất cả những gì đang bao quanh chúng ta. Nó không chỉ nói về những gì đã qua, mà còn về những điều sẽ đến".
Ngài nhấn mạnh hy vọng không chỉ là cảm xúc mà là sức mạnh nội tâm giúp con người vượt qua thử thách. Trong một phần của cuốn sách, ngài kêu gọi mọi người tìm lại khả năng biết vui cười như trẻ thơ, coi đó là chất men của cuộc sống và là công cụ để đối mặt với những khó khăn.
Trong bối cảnh thế giới đang đối diện với nhiều xung đột, thông điệp từ cuốn sách Hy vọng của Giáo hoàng Francis được xem như lời khích lệ mạnh mẽ, giúp mỗi người tái khám phá sức mạnh của niềm tin và khả năng hồi sinh trong cuộc sống hàng ngày.
Giáo hoàng Francis sinh năm 1936 trong một gia đình di dân từ Italia sang Argentina. Ông là người Mỹ Latin đầu tiên đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã.
Tên khai sinh của Giáo hoàng Francis là Jorge Mario Bergoglio. Ông từng là giám mục từ năm 1992 và trở thành Hồng y của Buenos Aires vào năm 1998. Tại cuộc họp kín bầu Giáo hoàng năm 2005, ông được xem là một ứng cử viên nặng ký. Nhiều người đã bày tỏ ngạc nhiên khi xét tới việc tuổi tác của ông đã cao.
Trong thời gian tại nhiệm, Giáo hoàng Francis luôn nỗ lực bảo vệ những người yếu thế như các cá nhân phải sống trong chiến tranh, nghèo đói. Thậm chí, nhiều người gọi ông là "Giáo hoàng của người dân".
Vatican công bố nguyên nhân Giáo hoàng Francis qua đờiTòa thánh Vatican cho biết, Giáo hoàng Francis qua đời do đột quỵ não dẫn tới hôn mê và suy tim không thể hồi phục. Giáo hoàng trước đó từng bị suy hô hấp cấp tính, cao huyết áp và tiểu đường.