Tránh hạ cánh cứng
Công điện được gửi hỏa tốc vào buổi tối là thông điệp và cam kết kịp thời, có trách nhiệm. Nỗ lực này được hi vọng tạo bệ đỡ giảm rủi ro “hạ cánh cứng” của thị trường sau hàng loạt những dấu hiệu nóng bỏng giữa tuần trước, nhằm phát triển thị trường “lành mạnh, minh bạch, an toàn” và bảo vệ “quyền lợi hợp pháp” của nhà đầu tư.
Phải khẳng định, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là đúng đắn để tạo thêm kênh thu hút vốn cho DN. Hàng chục năm nay, DN chỉ biết tìm đến ngân hàng để vay vốn, nếu không muốn tìm vốn tín dụng đen quá đắt đỏ và rủi ro.
Hay nói cách khác, gần như mọi gánh nặng đều đổ lên chính sách tiền tệ vì chính sách này luôn phải mang các mục tiêu khác nhau: vừa chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2015, khi nền kinh tế đã bắt đầu lấy lại nhịp điệu sau cuộc khủng hoảng 2008-2012 với rất nhiều hệ lụy, Thống đốc NHNN khi đó, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, thị trường ngân hàng chiếm tỷ trọng tới 80% còn chứng khoán và bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 20%. Ông than phiền: “Cần chấm dứt ngay thời kỳ mà tín dụng ngân hàng vừa cấp vốn ngắn hạn, trung dài hạn cho DN, vừa chảy vào chứng khoán”.
Nhưng, chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục gánh vác gần như toàn bộ gánh nặng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Tỷ lệ M2/GDP vẫn tiếp tục tăng cao từ 146% năm 2016 lên 153% năm 2017, 157% năm 2018, gần 165% năm 2019 và 180% năm 2020. Tỷ lệ này ở Việt Nam cao bậc nhất châu Á, theo TS Phạm Thế Anh, trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Vì thế, thị trường trái phiếu DN hoạt động vừa giúp đa dạng các kênh huy động vốn, vừa giảm gánh nặng cho chính sách tiền tệ vốn đã oằn lưng với rất nhiều mục tiêu.
Trong khi đó, DN đang vật lộn để tồn tại sau những đợt phong tỏa nghiệt ngã để chống Covid trong năm 2020, 2021. Trong hai năm, số DN “rút lui” khỏi thị trường đạt mức “kỷ lục”, theo Tổng cục Thống kê. Vòng quay của tiền năm 2021 đã giảm còn một nửa so với trước. Điều đó cho thấy nhiều DN đã phải “ngủ đông” như thế nào và nền kinh tế đã chậm lại ra sao.
Kể từ khi chuyển chống dịch sang “sống thích ứng” với Covid, nhiều DN phải tìm nhiều cách tồn tại, trong đó vấn đề lớn nhất, theo các nhà kinh tế, là thanh khoản. Vì thế, phát hành trái phiếu theo nghị định 153/2020 là một cách tốt, phù hợp, cũng như hợp pháp, được pháp luật bảo đảm.
Minh bạch, cảnh báo và chế tài
Tháng 12/2020, Chính phủ ban hành nghị định 153/2020/NĐ-CP về việc chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ thị trường trong nước và nước ngoài.
Cú quay xe đột ngột của ông chủ Tân Hoàng Minh - trả lại lô đất ở Thủ Thiêm với mức giá cao chưa có trong lịch sử 2,45 tỷ đồng/m2 cho Nhà nước - để lại nhiều dấu hỏi cần trả lời.
Xem ngayKhung khổ pháp lý này, cùng với nhu cầu thanh khoản bức thiết của DN sau khi chịu tác động của Covid, đã làm thị trường trái phiếu DN bùng nổ với tổng số phát hành lên đến 723 nghìn tỷ năm 2021, theo báo cáo của công ty CP Chứng khoán SSI.
Trong số đó, trái phiếu DN phát hành riêng lẻ chiếm 91%, tức 650.000 tỷ đồng. Như vậy, số lượng trái phiếu DN đã lên cả triệu tỷ đồng trong chỉ 2 năm qua.
Trong bối cảnh tâm lý thị trường trở nên mong manh và dễ tổn thương sau khi cơ quan chức năng bắt giữ các chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh và FLC, đã xuất hiện nhiều câu hỏi liên quan đến việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư đối với trái phiếu riêng lẻ cũng như “siết chặt” quy định pháp luật.
Đó là những vấn đề cần được xử lý ngay, ít nhất về mặt truyền thông, để trấn an thị trường.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lên tiếng cam kết hoàn trả tiền cho nhà đầu tư theo nhiều phương thức. Chẳng hạn, đối với các hợp đồng đến hạn thanh toán: số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất. Đối với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, tập đoàn sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với DN phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát, thậm chí xắn tay cùng DN xử lý sự cố này nhằm làm yên lòng thị trường.
Về phần mình, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, nhất là trong bối cảnh Bộ Tài chính đã không ít lần cảnh báo khi mua trái phiếu DN do “lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao”. Họ cần đọc thêm điều 8, nghị định 153 quy định, nhà đầu tư mua trái phiếu “tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc DN phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu”.
Trong khi đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật Anvy, không nên siết thị trường này. Ông cảnh báo: “Luật không hạn chế các cá nhân, DN vay vốn từ bạn bè, từ ngân hàng, từ các tổ chức, cá nhân để phát triển kinh doanh, nên cửa gọi vốn từ phát hành trái phiếu riêng lẻ không thể bị quản bằng thẩm định, cấp phép như cách mà nhiều người đang đặt câu hỏi hiện nay”.
Ông Đức nói thêm, hành lang pháp lý phải tôn trọng nguyên tắc thị trường và nên “gói” trong 3 từ khóa: minh bạch, cảnh báo và chế tài. “Việc của người tạo chợ là phải thúc đẩy sự minh bạch, giám sát để cảnh báo và có chế tài thật mạnh với các hành vi gian lận, trục lợi của các bên”.
Bất kỳ đốm lửa nào trên thị trường tài chính đều cần được xử lý kịp thời, hiệu quả nếu không muốn thành đám cháy. Thông điệp, cam kết và giải pháp của Thủ tướng trong công điện là kịp thời, nhưng vẫn cần thêm nhiều các biện pháp khác, để trấn an thị trường.
Các nhà đầu tư và thị trường cần được biết thông điệp, bắt các chủ tịch Tân Hoàng Minh và FLC là quyết tâm làm thị trường “lành mạnh, minh bạch, an toàn” để trái phiếu DN tiếp tục làm kênh huy động cho nền kinh tế. Các vụ bắt bớ đó không phải để vùi dập thị trường.
Tư Giang