Đó là thông điệp xuyên suốt được Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đi tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trong chuyến công du đến châu Âu lần này.
Vì sao Thủ tướng lại đưa ra thông điệp này và việc mà một nước đang phát triển phải làm giống như một nước phát triển là gì?
Từ cam kết COP26
Cách đây hơn một năm, tại Hội nghị COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vào ngày 1/11/2021, Thủ tướng đã đưa ra một lời cam kết hết sức mạnh mẽ - Việt Nam giảm mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương và Việt Nam không nằm ngoài tiến trình này.
Vì vậy, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia.
Cũng chính tại hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi phải có "công bằng, công lý về biến đổi khí hậu".
Để làm việc này, Việt Nam xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo "Thỏa thuận Paris" (là thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của hơn 170 quốc gia, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C).
Sau hội nghị, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và đã nỗ lực thực hiện cam kết của mình bằng hàng loạt các hành động.
Người đứng đầu Chính phủ đã không ngừng kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ để Việt Nam thực hiện cam kết của mình. Một trong những hoạt động quan trọng của chuyến công du đến châu Âu lần này cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Nước nghèo làm những việc như nước giàu
Tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nhất trí thúc đẩy việc sớm thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược về tài chính xanh nhằm tận dụng thế mạnh của Luxembourg về nguồn vốn đầu tư, nhất là tài chính xanh. Trong đó, Luxembourg hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP26.
Khi hội kiến với Đại Công tước Luxembourg Henri, Thủ tướng cũng thẳng thắn đề nghị hai bên sớm thiết lập đối tác chiến lược về tài chính xanh nhằm tranh thủ các thế mạnh của Luxembourg và hỗ trợ Việt Nam triển khai chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP26. Đại Công tước đã cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.
“Việt Nam cần có nguồn lực tài chính để phát triển và thực hiện các cam kết về phát triển xanh. Việt Nam cần sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế trong huy động nguồn lực”, Thủ tướng thẳng thắn đặt vấn đề tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Luxembourg.
Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh cũng như các cam kết tại COP26, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng không ngần ngại đề nghị Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) hỗ trợ vốn vay ưu đãi hơn, với điều kiện thuận lợi hơn.
“Trong điều kiện một nước như chúng tôi, thu nhập đầu người chỉ mới khoảng 4.000 USD một năm thì không thể như một nước có thu nhập 50.000 – 60.000 USD. Vì vậy giá đầu vào của năng lượng với chúng tôi phải giảm. Muốn vậy thì phải giảm ngay từ lãi suất vay ngân hàng”, Thủ tướng phân tích và khẳng định “công bằng, công lý” chính là ở điểm này.
Bởi, một nước đang phát triển mà phải làm như một nước phát triển, một nước có thu nhập 4.000 USD mà làm như một nước có 50.000 – 60.000 USD thì cần có những ưu đãi nhất định mới làm được.
Những lý lẽ này của Thủ tướng đã thuyết phục được lãnh đạo EIB và các đối tác EU với câu trả lời đầy thiện chí “chúng tôi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết của mình”.
Đến Hà Lan, Thủ tướng tiếp tục truyền đi thông điệp này. Tại hội đàm, Thủ tướng hai nước đã nhất trí đẩy mạnh, làm sâu sắc hợp tác hai nước trong khuôn khổ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững. Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ và các khoản vay ưu đãi để giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi xanh…
Tổng Giám đốc toàn cầu Heineken Dolf van den Brink (tại Hà Lan) cũng hưởng ứng những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam bằng mong muốn đóng góp tích cực trong lĩnh vực này qua thúc đẩy cơ chế mua bán điện trực tiếp, điện mặt trời…
Tại Bỉ, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính và công nghệ để thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu, đặc biệt là phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Việt Nam đang đi đúng hướng
Trong 5 thông điệp truyền đến Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU hôm qua (13/12), người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu rõ: “Các nước phát triển phải giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế. Bên cạnh đó, phải bảo đảm công bằng, công lý với các nước nghèo, các nước đang phát triển và gánh vác trách nhiệm như các nước phát triển trong ứng phó biến đổi khí hậu”.
Hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị cấp cao ASEAN – EU. Một trong những nội dung quan trọng dự kiến được Thủ tướng nêu ra tại hội nghị chính là thông điệp “công bằng, công lý" với các nước nghèo, các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh. Nội dung này cũng sẽ được Thủ tướng Việt Nam đàm phán với các nước G7 trong khuôn khổ của hội nghị.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định, quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng mà Việt Nam sẽ tuyên bố trong chuyến công tác đến châu Âu lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là đang đi đúng hướng trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Thu Hằng (từ Brussels, Vương quốc Bỉ)