Sáng 19/1, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết thông tin trên.
Theo bác sĩ Thắng, người đàn ông bị đột quỵ trong đêm 23 Tết được cấp cứu kịp thời nhưng mất ngôn ngữ, không có giấy tờ tùy thân nên không tìm được gia đình. Bác sĩ đã đăng tải thông tin và hình ảnh người bệnh lên mạng xã hội, mong người nhà bệnh nhân nhận ra và sớm được đoàn tụ.
Đến chiều 18/1, một người bạn của bệnh nhân đọc được thông tin này trên mạng. Ngay sáng nay, em gái của người đàn ông này từ Rạch Giá (Kiên Giang) đã lên TP.HCM để chăm sóc cho anh trai.
Chia sẻ với bác sĩ Thắng, người nhà cho biết vợ của bệnh nhân cũng bị đột quỵ từ vài năm trước. Chiều 23 Tết, sau khi lĩnh lương và dự định về quê, bệnh nhân đột ngột mắc phải căn bệnh này, kể từ đó mất liên lạc với gia đình. Hiện tại, người bệnh đã tỉnh táo hơn, khóc khi nhận ra em gái. "Hy vọng anh sẽ có thể về quê trước Tết”, bác sĩ Thắng nói.
Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận người đàn ông này sau một đêm nằm bất tỉnh trong chợ An Đông. Bệnh nhân được chỉ định điều trị tái thông lấy huyết khối.
“Tuy nhiên, người này thiếu tiền và thiếu tờ cam kết đồng ý điều trị vì không có gia đình bên cạnh. Tình huống này khá thường gặp nhưng rất khó để ra quyết định”, bác sĩ Thắng nói.
Theo vị chuyên gia này, chi phí điều trị luôn là vấn đề lớn, đặc biệt đối với những kỹ thuật tốn kém như lấy huyết khối bằng dụng cụ. Việc không có người thân đồng ý ký cam kết có thể thành chuyện lớn nếu điều trị thất bại. Đôi khi, người nhà xuất hiện để chất vấn trở lại bác sĩ.
Trước nhiều áp lực, bác sĩ Thắng vẫn quyết định điều trị theo chỉ định, không bỏ mặc người bệnh. Sau hơn một giờ, bác sĩ can thiệp đã lấy bỏ toàn bộ huyết khối, tái thông hoàn toàn động mạch cảnh và động mạch não giữa. Khoảng một ngày sau, bệnh nhân đã tỉnh nhưng mất ngôn ngữ toàn bộ.