Nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric vừa công bố báo cáo Tổng quan sàn thương mại điện tử (TMĐT) nửa đầu năm 2023. Báo cáo dựa trên phân tích số liệu của 5 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop.
Theo báo cáo, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2023 là 92.745 tỷ đồng, có hơn 394.000 shop phát sinh đơn hàng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng 46%.
Nửa đầu năm 2022, sàn TikTok Shop chưa ra mắt, nếu tính tỷ lệ tăng trưởng cùng kỳ khi chỉ tính trên doanh thu 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, con số sẽ là 22,5%.
Xét về thứ hạng, Shopee (59.000 tỷ đồng) tiếp tục là sàn TMĐT đứng đầu về doanh thu với thị phần gần như không thay đổi, chiếm 63%. Sự bất ngờ lớn nhất trong quý II so với quý I/2023 chính là thứ tự của TikTok Shop.
Với doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, nền tảng này nhanh chóng chiếm thị phần của các sàn TMĐT còn lại và thay thế Lazada (15.700 nghìn tỷ đồng) ở vị trí thứ hai. Tiếp đến là Tiki (1.600 tỷ đồng) và Sendo (112,3 tỷ đồng).
Về mặt hàng, trên cả 5 sàn TMĐT, làm đẹp vẫn là ngành mang lại doanh thu nhiều nhất với hơn 16.000 tỷ đồng, bỏ xa các ngành hàng phía sau là thời trang nữ và nhà cửa đời sống. Thống kê theo từng sàn, làm đẹp đứng đầu doanh thu trên cả Shopee, Lazada, Tiktok Shop. Trong khi đó, điện thoại - máy tính bảng đem đến nhiều doanh thu nhất trên Tiki.
So với quý II/2022, quý II/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh số lượng nhà bán khi mức giảm đã đạt 18%, tương đương 76.030 nhà bán dừng hoạt động trên sàn. Điều này cho thấy các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp dần rút khỏi thị trường, lợi nhuận sẽ đổ về những nhà bán thực sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên sàn TMĐT.
Ngoài ra, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc rút khỏi nền tảng TMĐT như sự biến động của thị trường, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn...
Về TikTok Shop, dù mới chính thức ra mắt thị trường Việt Nam cuối tháng 4/2022, Tiktok Shop đã cho thấy tốc độ tăng trưởng chóng mặt khi đạt doanh thu 16.000 tỷ, vượt mặt các ông lớn TMĐT khác.
Tuy nhiên, quản lý nội dung trên nền tảng chủ TikTok lại đang gặp vấn đề. Đặc biệt là việc đăng tải, phát tán nội dung xấu độc trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này. Nếu TikTok bị cấm tại Việt Nam, đồng nghĩa TikTok Shop sẽ trở thành con số 0.
Hồi cuối tháng 5, tại buổi làm việc với các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs), đại diện Bộ TT&TT đã đưa ra những thông điệp cứng rắn đối với việc quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như TikTok, Facebook, YouTube.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, khẳng định nếu các bên không hợp tác, cơ quan chức năng nhận thấy, nền tảng xuyên biên giới là môi trường nguy hiểm, ảnh hưởng xấu, tác động tới xã hội, thì chắc chắn sẽ có biện pháp hạn chế.
“Thông điệp của chúng tôi là không gian mạng cũng như đời thật, phải chịu trách nhiệm thật. Nếu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam. Nếu TikTok không hợp tác với Chính phủ, với cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ TT&TT, thì chắc chắn nền tảng này sẽ bị cấm”, ông Do cho hay.