Thủ đô Belgrade, hôm 5/2, chứng kiến một cuộc biểu tình chống chính phủ lớn chưa từng có trong nhiều năm qua khi hàng chục nghìn người tập trung tuần hành đòi bầu cử sớm.

Đằng sau các cuộc biểu tình ở Ai Cập

Ít nhất 55.000 người đã kéo đến trước tòa nhà Quốc hội để biểu tình theo lời kêu gọi của phe đối lập, Đảng Tiến bộ Serbia. Chủ tịch đảng, ông Tomislav Nikolic, cho chính phủ 2 tháng để tổ chức bỏ phiếu nếu không muốn đối mặt với một chiến dịch bất tuân dân sự.

Hàng chục nghìn người ủng hộ phe đối lập ở Serbia tập trung ở Belgrade đòi bầu cử sớm hôm 5/2. (Ảnh: EPA)
Kinh tế Serbia chịu nhiều khốn khó trong quá trình nước này hướng tới gia nhập EU. Giá cả leo thang, lương bổng thấp cộng với kinh tế trì trệ đã khiến cho sự bất đồng trong dân chúng ngày càng gia tăng. 

Liên minh cầm quyền gồm 10 đảng điều hành đất nước từ năm 2008, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Mirko Cvetkovic và Tổng thống Boris Tadic. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo không có trong chương trình cho tới năm 2012. 

Theo giới quan sát, các nhà chức trách Serbia đang lo ngại sẽ lặp lại tình trạng bạo lực của các cuộc biểu tình trước đó. Tuy nhiên, không khí ở thủ đô Belgrade hiện vẫn yên bình. 

Cảnh sát tiếp tục đảm bảo an ninh tại cuộc tuần hành. Trong khi lực lượng chống bạo loạn giữ gìn trật tự thì những người biểu tình tụ tập trước tòa nhà Quốc hội, cầm các biểu ngữ "Đảng Dân chủ, đến lúc phải ra đi" và "Chúng tôi đói khát". 

Ám chỉ cuộc khủng hoảng ở Ai Cập và Tunisia, ông Nikolic nói với người biểu tình: "Ở các nơi khác trên thế giới, người ta đang nói với các chính phủ rằng họ cần lắng nghe dân chúng. Tôi biết các bạn bị vỡ mộng và cay đắng về chính phủ không trung thực vốn đang gây đau khổ cho các bạn này. Vì vậy hãy để chúng tôi làm cho chính phủ này đau khổ".  

Tomislav Nikolic cảnh báo rằng nếu bầu cử không được tổ chức trong vòng 2 tháng nữa, ông sẽ bắt đầu một cuộc biểu tình ngồi bên ngoài tòa Quốc hội. Ông cũng nhấn mạnh, cuộc biểu tình hôm 5/2 đã gây hoang mang cho một chính phủ quyết tâm nắm giữ quyền lực.

Nikolic, từng là chủ tịch Đảng Cấp tiến, đã thành lập Đảng Tiến bộ Serbia cách đây gần 3 năm. Tuy nhiên, thanh thế của chính trị gia này hiện nay lớn tới mức ông là một "mối đe dọa lớn" đối với chính phủ, theo các nhà quan sát. 

Đảng của Tomislav Nikolic được xem là thách thức đối lập mạnh nhất với Đảng Dân chủ Serbia, phe đang dẫn đầu liên minh cầm quyền.

Thanh Hảo (Theo BBC)