Theo báo cáo kết quả kinh doanh 2021 của FPT của chủ tịch Trương Gia Bình - người từng chiếm vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy, doanh thu từ chuyển đổi số trong năm 2021 đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 72% so với năm ngoái, tập trung vào các công nghệ số như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI), Low code…

Khối công nghệ mang về 20.736 tỷ đồng doanh thu và 2.799 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trưởng 23,4% và 24,3% so năm ngoái. Khối công nghệ đóng góp 58% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế, giữ vững vị thế khối kinh doanh chủ lực của FPT.

Tại thị trường trong nước, dịch vụ CNTT ghi nhận 6.196 tỷ đồng doanh thu, tăng 29% và 377 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 33,9% so với năm trước. Mảng Viễn thông mang về 12.079 tỷ đồng doanh thu, tăng 11,2% và 2.119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16,5% so với năm ngoái.

Trong năm 2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT đạt lần lượt 35.657 tỷ đồng và 6.335 tỷ đồng, tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.346 đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. 

{keywords}
Thời đại số, đại gia công nghệ gặp thời

Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR) cũng có kết quả khả quan với lợi nhuận trước thuế 11 tháng 2021 đạt 405 tỷ đồng (hoàn thành 116% so với kế hoạch). Ban lãnh đạo gần đây đã tăng lợi nhuận trước thuế năm 2021 lên 472 đồng (+37% so với cùng kỳ). Tỷ trọng đóng góp cao hơn của mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông có thể giúp biên lợi nhuận gộp cao hơn.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2020, CMC Group đạt gần 138 tỷ đồng doanh thu, tăng 5,8% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế theo đó tăng nhẹ 4,2% lên 110 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2020 CMC Group còn hơn 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn 599,6 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Lũy kế nửa đầu năm 2021 (từ 01/04/2021 đến 30/09/2021) doanh thu theo BCTC công ty mẹ của CMG đạt 69 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước đó.

Cổ phiếu CMG sau khi lập đỉnh lịch sử 69.900 đồng vào hồi giữa tháng 11, cổ phiếu CMG sau đó đã điều chỉnh. Chốt phiên 18/2, CMG giao dịch ở mức 56.700 đồng/cp.

Nhóm các công ty có vốn hóa nhỏ như CTCP Viễn thông - Tin học Bưu điện (ICT), cổ phiếu đang giao dịch ở mức 20.050 đồng/cp ( phiên 18/2). Cổ phiếu của CTCP Đầu tư phát triển công nghệ điện tử Viễn thông (ELC) đang giao dịch ở mức 23.500 đồng/cp ( phiên 18/2). CTCP công nghệ Mạng và Truyền thông (CMT), giá cổ phiếu đang ở mức 21.300 đồng/cp. Các mã cổ phiếu có P/E chỉ quanh 5 lần, tức là thấp hơn rất nhiều định giá của ngành công nghệ.

Theo báo cáo của SSI, ngành công nghệ và viễn thông ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 72% trong năm 2021 vừa qua và vượt xa mức tăng của chỉ số VN-Index 34%.

Triển vọng tăng trưởng ngành công nghệ trong năm 2022, mức chi tiêu cho CNTT toàn cầu dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022. Gartner đã tăng ước tính chi tiêu cho các trung tâm dữ liệu và dịch vụ CNTT lên 2% cho năm 2022. Tháng 7/2021, Gartner đã tăng dự báo chi tiêu cho CNTT toàn cầu là 3%. 


Theo cập nhật ngày 20/12/2021 của Bộ TT&TT, quy mô thị trường nội địa của dịch vụ CNTT có thể đạt khoảng 25-30 tỷ USD trong năm 2025, với tốc độ CAGR dao động khoảng 20% -30%. 


Nhà đầu tư thận trọng

Kết thúc tuần giao dịch từ 14-18/2, VN-Index đứng ở mức 1.504,84 điểm, tương ứng tăng 3,13 điểm (0,21%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 8,72 điểm (2,04%) lên 435,61 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,18 điểm (0,16%) lên 112,72 điểm.

Theo SSI, chỉ số VN-Index vẫn cần phải vượt qua kháng cự 1.512 điểm với khối lượng giao dịch tăng lên để củng cố cho khả năng sẽ đi lên vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index phá hỗ trợ 1.470 điểm trước thì rủi ro điều chỉnh giảm trở lại vùng 1.425 - 1.400 điểm trên chỉ số vẫn còn.

VCBS nhận định, dù chỉ số chung đang phát đi nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi kết tuần trên 1.500 điểm, bất chấp những thông tin tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới, nhưng chỉ số vẫn sẽ có xu hướng tạo lại nền tích lũy quanh vùng 1.500 điểm với biên độ khoảng +/-10 điểm.

Trong giai đoạn này, chiến lược đầu tư thích hợp sẽ là giao dịch "lướt sóng" ngắn hạn trong biên độ hẹp, với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các ngưỡng cắt lỗ và chốt lời để đề phòng trường hợp thị trường bất ngờ xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm mạnh vượt ngoài kỳ vọng.

Duy Anh