Những ngày qua, nhiều phụ huynh có con học tại trường Quốc tế Mỹ gửi đơn cầu cứu gây xôn xao dư luận. Sở GD-ĐT TP.HCM đã mời bà Nguyễn Thị Út Em, chủ tịch HĐQT trường, lên làm việc. Sở cũng đã cử đoàn cán bộ trực tiếp đến trường để làm việc.
Trước đó, ngày 18/3, toàn thể học sinh trường phải tạm nghỉ học khiến nhiều phụ huynh bức xúc và lo lắng. Đến ngày 19/3, dù thông báo đón học sinh trở lại nhưng nhiều giáo viên không đi dạy. Một số phụ huynh cho biết họ đưa con đến trường nhưng phải ngồi ở căng tin vì không có giáo viên giảng dạy.
Trường AISVN cho biết đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, nợ lương và bảo hiểm của giáo viên, nhân viên.
Những lùm xùm dai dẳng
Câu chuyện tại trường Quốc tế Mỹ không phải mới xảy ra lần đầu. Cách đây 6 tháng, sự việc bắt đầu khi một số phụ huynh đến cổng, căng băng rôn yêu cầu Chủ tịch HĐQT trường là bà Nguyễn Thị Út Em phải trả nợ. Vấn đề này xuất phát từ việc phụ huynh và nhà trường cùng ký hợp đồng vay vốn.
Phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỷ đến chục tỷ (số tiền theo cấp học của con), không tính lãi suất trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh. Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khoẻ… Trường Quốc tế Mỹ sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định.
Thế nhưng đến hạn trả tiền, trường vẫn không hoàn trả khiến nhiều phụ huynh tập trung tại cổng đòi nợ. Số khác làm đơn kiện lên toà án yêu cầu trả tiền và lãi suất.
Đơn cử như ông H - Quận 3, TP.HCM, cách đây 8 năm, ngày 9/7/2015, trường đã ký hợp đồng vay vốn với gia đình ông. Hợp đồng này do vợ ông đứng ra làm đại diện với số tiền vay là 2.619.600.000 đồng (tương đương 120.000 USD). Hai bên có ký phụ lục hợp đồng về việc thỏa thuận trường sẽ hoàn trả cho phụ huynh số tiền theo mức trượt giá, theo đó lấy tỷ giá USD Mỹ làm chuẩn.
Việc gia đình đồng ý ký hợp đồng cho trường vay không lãi là để con của ông H. được theo học không phải đóng học phí và trường và sẽ hoàn trả lại số tiền này sau khi học sinh tốt nghiệp trong vòng 30 ngày.
Đến ngày 30/5/2021, con của ông H. đã hoàn thành khóa học. Sau đó, gia đình đã yêu cầu trường hoàn trả đủ số tiền đã cho vay theo đúng thỏa thuận đã ký.
Sau rất nhiều lần yêu cầu được hoàn trả tiền, đến ngày 17/11/2021, phía trường mới ra văn bản có nội dung cam kết hoàn trả gói đầu tư, với thời hạn hoàn trả là bắt đầu từ ngày 10/12/2021. Tuy nhiên, mãi đến ngày 12/5/2022, gia đình ông mới nhận được số tiền hoàn trả là 658.417.000 đồng (tương đương 30.000 USD).
“Như vậy, tính tới ngày 14/8/2023, trường vẫn còn nợ chúng tôi 2.070.000.000 đồng (tương đương 90.000 USD, tỷ giá 23.000đ/1USD) và tiền lãi và phạt là 626.175.000 đồng, tổng cộng là 2.696.175.000 đồng”.
Hay trường hợp của chị Mai, (huyện Nhà Bè) có con học lớp 8 tại AISVN, cho trường vay hơn 3 tỷ đồng. Tháng 6/2022, con gái chị Mai hoàn thành lớp 12, cuối tháng đó, nhà trường gửi email cho phụ huynh đề xuất thời gian hoàn trả số tiền. Dù đưa ra kế hoạch hoàn trả tiền cho chị Mai trong 3 lần, nhưng trên thực tế trường Quốc tế Mỹ Việt Nam mới trả cho chị được một một phần nhỏ số tiền.
Trực tiếp làm việc với chị Mai vào giữa tháng 9/2022, bà Nguyễn Thị Út Em đã ký “văn bản cam kết hoàn trả gói đầu tư” với nội dung xác nhận còn nợ số tiền còn lại và cam kết hoàn hoàn trả cho chị Mai làm 2 đợt.
Dù đã ký cam kết nhưng đến đầu tháng 10 trường Quốc tế Mỹ mới trả cho chị số tiền 20.000 USD. Phụ huynh đã kiện ra toà, nhưng từ đấy đến nay, phía Trường Quốc tế Mỹ chưa hoàn trả cho chị Mai thêm bất cứ đồng nào. Rất nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào trường hợp như anh H và chị Mai và đã làm đơn khởi kiện ra toà. Nhưng đến nay họ vẫn chưa được nhà trường trả lại tiền.
Phía AISVN lúc đó thừa nhận “Khoản nợ học phí”, thực chất là số tiền đầu tư giáo dục nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua Hợp đồng đầu tư giáo dục và sẽ được hoàn trả lại sau 5 - 15 năm học sinh theo học tại trường.
Trước đây, nhà trường cung cấp chương trình đào tạo chính khóa miễn phí cho học sinh và hoàn trả số tiền đầu tư giáo dục đúng hạn. Tuy nhiên, thời gian sau này, trường gặp nhiều khó khăn nên chậm trễ trong việc hoàn trả cũng như chưa có kênh thông tin trao đổi kịp thời đến phụ huynh. Nhà trường cũng đưa ra một kế hoạch tái cấu trúc và cam kết sẽ trả dần cho phụ huynh.
Thu học phí tiền tỷ, vì sao vẫn nợ hàng nghìn tỷ đồng?
AISVN được thành lập theo Quyết định số 432 ngày 30/1/2019 của UBND TP.HCM; được phép hoạt động giáo dục theo Quyết định số 1473 ngày 13/6/2019 của Sở GD-ĐT.
Ngôi trường đóng trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM hiện có hơn 1.400 học sinh, hơn 200 giáo viên nước ngoài và Việt Nam cùng 300 nhân viên trong nước với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại nhưng đi cùng là cái giá phải trả cho việc học ở đây rất đắt đỏ.
Bên cạnh học phí các thu khoản phí của AISVN cũng rất cao. Học sinh ngay khi nộp đơn đăng ký nhập học sẽ phải đóng phí đầu vào là 2,5 triệu đồng, đối với khối khám phá (dự bị tiểu học) là 1,5 triệu đồng. Phí ghi danh cho tiểu học là 45 triệu đồng, lớp 6-10 là 35 triệu đồng và lớp 11-12 là 25 triệu đồng.
Trong đó, khoản phí này phải đóng trước khi nhập học và sẽ không được hoàn lại. Nhà trường còn có một loại phí nữa là phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung, thu học sinh lớp 1-5 là 40 triệu đồng, thu học sinh lớp 6-10 là 50 triệu đồng.
Thế nhưng trường Quốc tế Mỹ hiện rơi vào khó khăn tài chính. Nhiều giáo viên không được trả lương, đóng bảo hiểm dẫn tới họ nghỉ dạy dẫn tới nhà trường phải tạm cho học sinh nghỉ học để sắp xếp lại tài chính.
Ngày 17/3 vừa qua, nhà trường đã tổ chức họp với phụ huynh để tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết tình hình khó khăn về tài chính dẫn đến việc không thể trả lương đầy đủ và đúng hạn cho giáo viên và nhân viên trường.
Hai bên đã tìm kiếm các giải pháp khác nhau, trong đó, giải pháp vận động phụ huynh tiếp tục đóng thêm tiền để ủng hộ nhà trường AISVN gặp nhiều khó khăn và gần như không khả thi.
Thông tin từ phụ huynh cho hay, một phụ huynh đã tìm kiếm được quỹ đầu tư, khẳng định sẽ xúc tiến với tổ chức tài chính ngắn hạn, đầu tư khoảng 200 tỷ với đề nghị sẽ sở hữu 20% cổ phần trường AISVN. Quỹ đầu tư này đã tìm hiểu tình trạng của trường và chấp nhận cùng đồng hành, chia sẻ các khoản nợ hiện hữu của trường.
Câu hỏi đặt ra là tiền của AISVN đã đi đâu để rơi vào khó khăn tài chính? Bởi với mới mức học phí như hiện tại, doanh thu từ học phí của nhà trường tính trên số học sinh hiện tại sẽ lên tới hàng trăm đến nghìn tỷ/năm. Số tiền này đã được đóng trước hoặc đóng đúng hạn. Chưa kể, số tiền nhà trường ký hợp đồng với phụ huynh nhiều năm nay. Trong đơn phụ huynh gửi cơ quan chức năng thông tin, hơn 90% gia đình đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở Trường AISVN dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư.
"Tổng số tiền đã đóng vào hay nói cách khác là đã huy động đang nợ phụ huynh lên đến hơn 3.200 tỷ Việt Nam đồng".
Một phụ huynh có con học lớp 2 và 4 ở AISVN cho hay, sáng nay, chị vẫn cho con tới trường nhưng các học sinh vẫn rơi vào tình trạng như hôm qua, đó là ngồi căn tin, chơi tự do vì không có giáo viên để giảng dạy.
“Chúng tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng quyết định việc đầu tư của các quỹ đầu tư để giải quyết vấn đề tài chính, có trả lương cho giáo viên để giáo viên quay lại trường giảng dạy.
Chúng tôi cũng muốn biết tiền phụ huynh đã góp vốn, tiền học phí đã đi đâu, đã tiêu dùng như thế nào? Việc nhà trường mở cửa hiện tại chỉ để đối phó dư luận nhưng như vậy là đang đẩy con chúng tôi vào tình trạng không được học tập”- phụ huynh nói.