Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, tỉnh này hiện có 22.458ha sầu riêng (diện tích cho thu hoạch trên 9.600ha), chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả. Riêng năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch tăng lên trên 12.000ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn.
Những ngày này, các huyện của Đắk Lắk nhộn nhịp cảnh thu hái, mua bán, chế biến sầu riêng. Hình ảnh tại một vườn thuộc Krông Pắk, nơi có sản lượng và diện tích trồng nhiều nhất huyện.
Quả sầu riêng được dùng dao cắt rồi thả xuống cho người bên dưới dùng giỏ để hứng. Nhờ việc dùng giỏ hứng, các trái sầu riêng vẫn còn nguyên vẹn mà không nứt vỡ khi rơi xuống. Việc thu hoạch được tiến hành cẩn thận nhằm đảm bảo chất lượng, giữ hương vị tươi ngon của sầu riêng và có thể bảo quản được lâu hơn.
Vì đặc tính vỏ dày, có gai nhọn, cộng thêm việc mọc trên những tán cây cao, việc thu hái sầu riêng vì thế cũng vô cùng khó khăn. Người nông dân phải trang bị găng tay để không bị đau.
Từng xe sầu riêng đầy được đẩy ra khu vực tập kết ngoài vườn.
Nông dân dùng lược để làm sạch sơ bộ bụi bẩn và lá khô bám vào bên ngoài.
Nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chú trọng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng Ri6 và Monthong đã mang lại giá trị kinh tế cao cho "thủ phủ" sầu riêng Tây Nguyên.
Được biết, giá loại quả này đầu vụ thu hoạch tại Đắk Lắk cao gấp rưỡi so với năm ngoái. Giá thu mua tại vườn dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg, có lúc thương lái mua từ 95.000-100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm này năm 2022.
Người nông dân huyện Krông Pắc vui mừng, phấn khởi thu hoạch vì giá bán giá sầu riêng đang ở mức cao. Trong vụ thu hoạch năm nay, loài trái cây đặc sản này đã mang về nguồn lợi cho nhiều gia đình ở Đắk Lắk hàng tỷ đồng.
Sở hữu 2 vườn sầu riêng rộng khoảng 1.5ha sầu riêng, anh Phạm Văn Tuân cho biết, năm nay năng suất đạt khoảng 150kg/cây. "Trung bình vườn của tôi xuất khẩu 40 - 50 tấn/năm, mang lại lợi nhuận 3 tỷ đồng", anh Tuân chia sẻ.
Sầu riêng sau khi làm sạch được xếp trong giỏ chờ đóng thùng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình, thành phẩm để xuất khẩu cần đạt khối lượng từ 3 - 3,5kg/6 quả.
Đắk Lắk hiện đã vươn lên là tỉnh đứng thứ 2 về diện tích sầu riêng trong cả nước. Bắt đầu từ mùa vụ 2022, đây là một trong những địa phương trực tiếp xuất khẩu nông sản sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, là cơ hội để người nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường lớn, thu được lợi nhuận cao hơn từ loại trái cây đặc sản này.