Bồi thường đất theo kiểu… tuỳ tiện 

Dự án Đại học Quốc gia TP.HCM nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TP.HCM, được phê duyệt quy hoạch chung từ năm 1997 với quy mô ban đầu 792ha. Hơn 20 năm triển khai, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án này vẫn chưa hoàn tất. 

Đáng nói, công tác bồi thường đất tại dự án Đại học Quốc gia TP.HCM đang có sự phân biệt, đối xử giữa các hộ dân, đơn cử như trường hợp của bà Lê Thị Kim Sự (SN 1965, ngụ P.Đông Hoà, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương). 

Bà Sự cho biết, gia đình bà sở hữu 512m2 nhà đất tại P.Đông Hoà, TP. Dĩ An, gồm 140m2 đất ở và 372m2 đất nông nghiệp. 512m2 đất này thuộc thửa đất 912m2 của bà N.T.V, đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSSĐ) vào năm 1998. 

Đến năm 2001, bà Sự nhận chuyển nhượng 512m2 đất nói trên từ bà N.T.V và được UBND xã Đông Hoà, huyện Dĩ An (nay là P.Đông Hoà, TP.Dĩ An) chứng thực. Tương tự bà Sự, bà N.T.N và bà Đ.T.A cũng nhận chuyển nhượng đất từ bà N.T.V từ năm 2001 và cũng được UBND xã Đông Hoà chứng thực.

{keywords}
Cùng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ một người nhưng hai hộ được bồi thường đất và cấp suất đất tái định cư, trong khi hộ bà Sự lại không được. 

Toàn bộ nhà đất của ba hộ nhận chuyển nhượng đất từ bà N.T.V thuộc quy hoạch dự án Đại học Quốc gia TP.HCM nên bị thu hồi. Tuy nhiên, trong khi bà N.T.N và bà Đ.T.A được bồi thường đất và nhận suất đất tái định cư thì riêng hộ bà Sự lại không được. 

Theo bà Sự, sau khi kiểm kê hiện trạng đất và tài sản trên đất để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vào năm 2009, UBND TP.Dĩ An xác định giá trị bồi thường về tài sản cho gia đình bà là 202 triệu đồng. 

Không đồng ý với mức giá này, bà Sự khiếu nại và sau 2 lần áp giá bổ sung, tổng số tiền bồi thường về tài sản bà Sự nhận được tăng lên 654 triệu đồng. Tuy vậy, những đề nghị về việc bồi thường về đất và cấp suất đất tái định cư của bà không được giải quyết. 

Thật quá vô lý khi cùng một thửa đất và cùng thời gian nhận chuyển nhượng nhưng hai hộ kia được bồi thường đất và nhận suất đất tái định cư trong khi gia đình tôi lại không được. Ngoài ra, gia đình tôi có hộ khẩu tại địa phương và đông nhân khẩu hơn. Lỗi của chính quyền sao bắt dân chịu?”, bà Sự bức xúc. 

UBND TP.Dĩ An nói gì? 

Trả lời VietNamNet, ông Võ Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An cho biết, tất cả hộ dân trên địa bàn xã Đông Hoà và xã Bình An, huyện Dĩ An (nay là P.Đông Hoà và P.Bình Thắng, TP.Dĩ An) bị ảnh hưởng bởi dự án Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ áp dụng áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Quyết định số 1969/QĐ-CT (Quyết định số 1969) ngày 2/6/2003 của UBND tỉnh Bình Dương. 

Đến ngày 13/11/2003, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 4653/QĐ-CT thu hồi đất, trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành. Do đó, theo ông Tuấn, việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án dựa trên cơ sở Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ. 

{keywords}
Việc kiểm kê hiện trạng đất đai, tài sản trên đất của các hộ dân thuộc địa bàn được thực hiện đồng loạt vào năm 2004 nhưng UBND TP.Dĩ An lại áp dụng quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên cơ sở Luật Đất đai năm 1993. 

Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An còn cho hay, việc kiểm kê hiện trạng đất đai, tài sản trên đất đối với các hộ dân thuộc địa bàn huyện Dĩ An (nay là TP.Dĩ An) được thực hiện đồng loạt vào năm 2004. Riêng trường hợp bà Sự, đến năm 2009 mới kiểm kê hiện trạng đất đai và tài sản trên đất. 

Theo Quyết định số 1969, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường về đất khi “có GCNQSSĐ theo quy định của pháp luật đất đai”. 

Mặc dù xác nhận bà Sự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà N.T.V (đã được cấp GCNQSSĐ vào năm 1998) vào năm 2001 và được chính quyền địa phương chứng thực, tuy nhiên UBND TP.Dĩ An vẫn cho rằng bà Sự không thuộc đối tượng được bồi thường đất, không thuộc diện được hưởng chính sách tái định cư.

Trước câu hỏi vì sao hai hộ dân khác cùng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà N.T.V và cũng được chính quyền địa phương chứng thực như bà Sự nhưng lại được bồi thường đất và cấp đất tái định cư, ông Võ Anh Tuấn cho biết, UBND TP.Dĩ An đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường rà soát, báo cáo để xem xét xử lý từng trường hợp cụ thể. 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc áp giá bồi thường cho hộ bà Sự diễn ra vào năm 2009 do đó phải áp dụng theo các quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 197/2003/NĐ-CP và các hướng dẫn quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. 

Theo Luật sư Chánh, tuy chưa tiến hành thủ tục cấp GCNQSSĐ mới nhưng nhà, đất của bà Sự thuộc trường hợp “đủ điều kiện được cấp GCNQSSĐ” theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. 

Như vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 42 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 8 Nghị định 197/2013/NĐ-CP, bà Sự đủ điều kiện được bồi thường về đất. Đồng thời, bà Sự cũng đủ điều kiện được tái định cư theo Điều 4 Nghị định 197/2013/NĐ-CP. 

UBND TP.Dĩ An căn cứ vào Quyết định số 1969 đã không còn phù hợp, trái quy định của Luật Đất đai năm 2003 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để cho rằng bà Sự không có GCNQSDĐ nên không đủ điều kiện được bồi thường về đất là không đúng, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất”, Luật sư Chánh nhận định. 

Băn khoăn khi thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá, tái định cư

Băn khoăn khi thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá, tái định cư

Chủ trương thu hồi thêm đất kề bên công trình hạ tầng để bán đấu giá và bố trí tái định cư tại chỗ của UBND TP.HCM nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Tuy vậy, vẫn còn những băn khoăn.

Phương Anh Linh