Quốc hội sáng nay dành thời gian thảo luận về các báo cáo tư pháp, báo cáo phòng, chống tham nhũng… Cuối giờ sáng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã có giải trình về ý kiến các ĐBQH nêu.

Vấn đề thứ nhất, một số ĐB nhắc cơ quan tố tụng chú ý xem xét xử lý các vụ án bị kéo dài như vụ án Hồ Duy Hải, vụ sản xuất phân bón của công ty Thuận Phong (Đồng Nai) và vụ gỗ trắc (Quảng Trị).

“Với trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, mỗi cơ quan có phần trách nhiệm giải trình của mình. Riêng với trách nhiệm của Viện KSND, Viện trưởng đã chuẩn bị khá đầy đủ những nội dung có liên quan đến vấn đề này”, ông Lê Minh Trí nói.

Do thời gian có hạn, Viện trưởng Viện KSND nói, có những việc đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền; có vụ việc, vụ án đang tiến hành các biện pháp tố tụng điều tra, làm rõ theo đúng luật định.

“Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ đến đại biểu”, ông Trí báo cáo.

Liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng Viện KSNDTC khẳng định, những năm gần đây đã “làm tốt hơn, tích cực hơn”. Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận, so với yêu cầu vẫn chưa hài lòng vì “cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”.

Theo Viện trưởng VKSNDTC, dù có quyết tâm kê biên, thu hồi tài sản thì phải theo pháp luật hiện hành. Trong khi, hệ thống pháp luật hiện hành không phải lúc nào cũng niêm phong, kê biên tài sản được, nhất là khi các cơ quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

“Kê biên không đúng, người ta có quyền khởi kiện chúng ta. Làm khẩn trương, quyết tâm chính trị nhưng cũng phải chặt chẽ, chính xác”, ông Trí nhấn mạnh. Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này.

{keywords}
Viện trưởng Lê Minh Trí báo cáo giải trình trước Quốc hội.

Tại hội nghị tổng kết 8 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng, ông đã đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật Đăng ký tài sản.

“Chúng ta mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm hữu tài sản có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không thì còn bỏ một khoảng trống rất lớn”, ông giải thích.

Từ đó, Viện trưởng Viện KSNDTC cho rằng, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì các đối tượng sẽ che giấu, nhờ người khác đứng tên tài sản như ô tô, nhà đất… Như vậy, thì các cơ quan tố tụng sẽ không “đụng” được vào tài sản đó dù biết nguồn gốc bất minh.

“Không có luật thì còn một khoảng trống hết sức khó khăn”, ông Trí nhận định.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện KSNDTC kiến nghị Chính phủ có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt.

Ông tin rằng, với các biện pháp như vậy thì chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng mới tốt được.

“Chúng ta có quyết tâm chính trị nhưng vừa làm, vừa lo. Không thu không được nhưng thu cũng không được vì kê biên không đúng, người ta kiện”, ông Trí nói tiếp.

Để không bị kiện thì phải xác minh tài sản, song quá trình xác minh thì tài sản đã bị tẩu tán rồi.

“Thời gian qua, các cơ quan tố tụng, các khâu tố tụng đều quan tâm việc này, thu rất tốt nhưng kết quả vẫn không đạt. Không đạt không có nghĩa là không làm mà do vướng những vấn đề trên”, ông Trí giải trình. Một lần nữa ông đề nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành, trong đó có pháp luật về đăng ký tài sản.

Vấn đề cuối cùng ĐBQH đề cập đến việc gần đây một số đối tượng có tranh chấp, xung đột trên mạng xã hội liên quan đến từ thiện, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong đời sống xã hội.

Dẫn Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, ông Trí khẳng định, thời gian tới các cơ quan tố tụng sẽ xem xét, xử lý để bảo đảm trật tự kỷ cương của xã hội.

Trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ĐBQH quan tâm về việc ban hành Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến, báo cáo giải trình Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ ủng hộ ban hành nghị quyết tuy nhiên cũng góp ý gợi mở và đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn, rộng hơn, chất lượng hơn.

{keywords}
Chánh án Nguyễn Hoà Bình phát biểu sáng nay

Trước đề nghị thực hiện nghị quyết trong 3 năm, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quá trình chuẩn bị, lấy ý kiến các cơ quan thì đều được đánh giá đây là vấn đề lớn, phiên toà trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn cho cả lâu dài. Do đó, nếu nghị quyết ấn định thực hiện trong 3 năm thì sau thời gian này phải có nghị quyết khác nếu muốn duy trì phương thức trực tuyến.

Từ lý do trên, Chánh án TANDTC cho biết trong báo cáo công tác hàng năm sẽ có nội dung thực hiện phiên toà trực tuyến, đánh giá mặt được hay chưa được để có đề nghị phù hợp.

Ông Nguyễn Hòa Bình thông tin, về việc lựa chọn các vụ án xét xử, trên thế giới tiếp cận ở góc độ nghĩa vụ chứng minh đơn giản, ví dụ vụ giết người phức tạp nhưng chứng cứ rõ ràng thì vẫn xét xử trực tuyến.

Hiện dự thảo cũng quy định TAND tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Trần Thường

Tranh chấp nói xấu nhau trong 'lùm xùm' từ thiện, đề nghị làm rõ đúng sai

Tranh chấp nói xấu nhau trong 'lùm xùm' từ thiện, đề nghị làm rõ đúng sai

Đại biểu Quốc hội nêu thực tế hoạt động nhân đạo, từ thiện, kêu gọi vận động tài trợ trên mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, ảnh hưởng an ninh trật tự, đến thuần phong mỹ tục.