Trong thời gian qua, việc triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài nhằm hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước đã được các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành quy định dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô lớn.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Chính phủ về thu hút FDI như xây dựng các tiêu chí thu hút có chọn lọc tại văn bản số 8611/BKHĐT-ĐTNN ngày 25 tháng 12 năm 2020;  xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả FDI tại văn bản số 7905/BKHĐT-ĐTNN ngày 30 tháng 11 năm 2020. Các báo cáo tập trung đề xuất nội dung xây dựng các tiêu chí về đầu tư (về suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết, lan tỏa, tham gia các chuỗi giá trị quốc tế...) để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn lớn và các địa phương triển khai các Chương trình, Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT Việt Nam trở thành nhà cung cấp của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước như Samsung, Toyota, Mitsubishi, Thaco, Vinfast, LG...;đồng thời, đẩy mạnh các dự án hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phần lớn các địa phương có lợi thế và tiềm năng phát triển công nghiệp đều chú trọng thu hút các dự án đầu tư lớn nhằm tạo sự bứt phá trong quá trình dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển, hình thành chuỗi giá trị trong nước.

Dẫn đầu về thu hút FDI trên cả nước là TP.HCM với 4,4 tỉ USD. Các tỉnh, thành khác thu hút được từ 1 tỉ USD vốn FDI gồm Hà Nội (3,6 tỉ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (2,2 tỉ USD), Bình Dương (1,9 tỉ USD), Hải Phòng (1,5 tỉ USD). 4 địa phương còn lại trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI gồm Đồng Nai (928 triệu USD), Bắc Ninh (901 triệu USD), Bắc Giang (894 triệu USD), Long An (810 triệu USD) đều là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử và công nghệ cao với mạng lưới các nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung Việt Nam, LG, Panasonic, Apple,...

Mặc dù, công tác thu hút FDI đầu tư vào các địa phương mang lại nhiều kết quả khởi sắc trong thời gian qua, tuy nhiên nhận thức về thu hút và quản lý các nguồn vốn FDI tại các địa phương chưa đồng bộ, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư, ưu tiên số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh tế.

Nhiều địa phương vẫn chưa tập trung xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp mà mới chỉ dựa vào các thế mạnh vốn có của địa bàn tỉnh để thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Một số địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương. 


Bên cạnh đó, tình trạng phổ biến hiện nay là các địa phương mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu của quá trình thu hút đầu tư mà chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy sự lan tỏa của các dự án FDI lớn, gây lãng phí các cơ hội, tiềm năng có thể nhận được từ FDI trong thời gian các dự án này đang hoạt động tại Việt Nam. Công tác giám sát, quản lý và đánh giá các dự án FDI tại các địa phương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều dự án FDI chậm triển khai so với tiến độ cam kết hoặc nhà đầu tư không có khả năng thực hiện gây lãng phí nguồn lực của các địa phương. 

Phương Linh