Nhanh chóng bắt nhịp chuyển đổi số
Trưởng ban Tổ chức - Kiểm tra (Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội) Nguyễn Kim Quý cho biết, Hà Nội hiện có 747 cơ sở hội, với 941.247 hội viên phụ nữ. Cùng với duy trì phương thức hoạt động mang tính truyền thống, hiện nay, các cấp hội đã thành lập các trang mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm tập hợp, thu hút hội viên tham gia tổ chức hội.
Hiện trang tương tác mạng xã hội Facebook (Fanpage) của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố có hơn 17.000 người theo dõi, tương tác. Theo Trưởng ban Tuyên giáo (Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội) Hoàng Thu Hồng, trên Fanpage của Hội đăng nhiều tin, bài, ảnh nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của các cấp hội; đồng thời triển khai các cuộc thi, tập huấn, truyền thông trực tiếp…
Nội dung nhận được sự tương tác nhiều của hội viên là truyền trực tiếp trao giải các cuộc thi; hình ảnh, video tổng kết hoạt động của hội; chương trình đồng diễn áo dài… Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên và cộng đồng, góp phần quảng bá về tổ chức hội và hình ảnh người phụ nữ trong thời kỳ hội nhập.
Trong khi đó, ở huyện Gia Lâm, việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp các cấp hội thu hút đông đảo hội viên phụ nữ. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh chia sẻ: “Đơn cử như chương trình “Đồng hành viết tiếp những ước mơ”, khi chúng tôi chia sẻ những câu chuyện về hành trình đỡ đầu các con mồ côi, gặp hoàn cảnh khó khăn trên Fanpage, Zalo hay địa chỉ Facebook, đã có nhiều nhà hảo tâm tìm đến để ủng hộ. Hay như vừa qua, lần đầu tiên, huyện Gia Lâm tổ chức lễ hội áo dài với sự góp mặt của gần 1.000 người. Chúng tôi đăng tải thông tin về sự kiện, sau đó nhiều người biết đến và nhắn tin mong muốn được tham gia”.
Nâng cao kiến thức, đổi mới hoạt động
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu đối với các cấp hội phụ nữ Thủ đô về việc cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; kết hợp trực tiếp và trực tuyến không chỉ trong chỉ đạo, điều hành. Yêu cầu đó còn đến từ khâu tổ chức hoạt động và kết nối hội viên.
Song, thách thức đối với các cấp hội, đó là một bộ phận cán bộ, hội viên chưa bắt nhịp, chưa tham gia sử dụng các nền tảng số; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế... Chính vì vậy, các cấp hội chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ hội.
Việc Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức tập huấn công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho 579 chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn hồi giữa tháng 3 vừa qua, đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực.
Từ những kiến thức được tập huấn, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai đã tuyên truyền và tận dụng chính Facebook, Zalo cá nhân của từng hội viên để lan tỏa các hoạt động hội.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai Nguyễn Mai Anh cho biết: “Mỗi nhóm phụ nữ có nhu cầu riêng nên cần có nội dung phù hợp với từng đối tượng, từ đó sẽ kêu gọi được đông đảo hội viên tham gia. Đặc biệt là, Hội tích cực thu hút phụ nữ trẻ, phụ nữ sinh sống trong các chung cư cao tầng, đào tạo họ trở thành cán bộ nguồn”.
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cũng đặc biệt quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong tổ chức, cung cấp thông tin trên mạng xã hội. Các cơ sở hội cũng chủ động đổi mới trong cách điều hành, hoạt động để thu hút hội viên.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết để tiếp tục triển khai hiệu quả khâu đột phá của nhiệm kỳ 2021-2026 là “đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động Hội và kết nối thu hút phụ nữ”, các cấp hội xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là hoạt động thường xuyên, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hoạt động hội, tăng cường kết nối, tập hợp, thu hút hội viên.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phụ nữ phát triển Hà Nội Nguyễn Thị Hảo.
Giúp các nữ doanh nhân ứng dụng công nghệ
Chúng tôi phối hợp các sở, ngành, đơn vị và các cấp hội tổ chức 1.085 buổi truyền thông nâng cao kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho 90% cán bộ, hội viên; xây dựng mạng lưới chuyên gia công nghệ giúp 6.105 nữ chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh có kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến (online). Hơn 1.000 phụ nữ khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ lập gian hàng trên các trang thương mại điện tử, các nền tảng công nghệ. Các hoạt động đã khuyến khích hội viên phụ nữ, nữ doanh nhân chủ động, tự tin ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, Trung tâm tiếp tục triển khai dự án Wodimo “Hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin” do Liên minh châu Âu tài trợ. Chúng tôi tin rằng, dự án sẽ góp phần tích cực vào việc hỗ trợ phụ nữ Thủ đô trở thành công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến.
Để chị em không đứng ngoài xu thế
Huyện Ba Vì hiện có 72.400 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 8.906 phụ nữ dân tộc thiểu số. Số hội viên phụ nữ của huyện tính đến nay là 60.791 hội viên. Trong những năm gần đây, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng chung của toàn xã hội. Tại Ba Vì, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc này cũng đang được các cấp hội đẩy mạnh, thông qua các lớp tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, để chị em không đứng ngoài xu thế.
Xu hướng chung hiện nay là chị em thích các tin ngắn, nội dung, thông điệp dễ nhớ, dễ hiểu… Do đó, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện đã đổi mới cách thức đăng tải tin bài trên các Fanpage, hội, nhóm của Hội với nội dung phong phú, đa dạng, tạo sự lan tỏa, thu hút đông cán bộ, hội viên, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số... Qua đó, kịp thời chuyển tải những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức hội đến với hội viên, phụ nữ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Ánh Tuyết.
Dễ thực hiện, tạo hiệu ứng cao
Hiện nay, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Yên có 1.095 hội viên, trong đó có 16 hội viên danh dự là nam giới. Thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội và kết nối phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập hợp thu hút hội viên qua Zalo, Facebook… Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội” năm 2024, Hội đã xây dựng video: “Phụ nữ Phú Yên bảo tồn và phát triển nghề da, giày truyền thống”. Video được chúng tôi sử dụng làm tài liệu sinh hoạt hội viên tại chi hội và quảng bá, kết nối, giới thiệu sản phẩm làng nghề da giày Phú Yên…
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một video tuyên truyền hiệu quả về sản phẩm da giày truyền thống của địa phương. Chúng tôi đang tiếp tục sản xuất thêm các video tuyên truyền về công tác hội phụ nữ mà không phát sinh chi phí, dễ thực hiện, tạo hiệu ứng cao.
Theo Nguyệt Ánh (BáoHànộimới)