Sau 5 năm thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gần 2.000 chương trình, dự án đã được triển khai tại một số bộ, ngành và địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (Đề án 2214) do Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức sáng 22/11 tại Hà Nội.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Việt Nam có 53 DTTS với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Tuy nhiên đời sống vùng DTTS còn rất nhiều khó khăn. Để tập trung nguồn lực đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2214/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số” để tập trung nguồn lực, đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.

Việc triển khai Đề án 2214 góp phần tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài cho công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.

5 năm qua, UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện hiệu quả Đề án. Trong đó, tập trung xây dựng và ký kết chương trình phối hợp công tác giữa UBDT và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam; thành lập và xúc tiến vận động tài trợ nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào vùng DTTS theo quy định, đồng thời định kỳ hàng năm tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn nhằm huy động sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào vùng DTTS và miền núi, hợp tác, kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp...

{keywords}
 

Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và địa phương, Đề án 2214 triển khai trong hầu hết các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đề án đã huy động được sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế. Các dự án được triển khai đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục; nâng cao dân trí, sức khỏe… cho người dân vùng đồng bào DTTS, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.

Trong giai đoạn 2014-2018, nguồn vốn huy động nước ngoài thực hiện Đề án 2214 tại 32 tỉnh và 4 bộ ngành hơn 63 nghìn tỉ đồng từ nước ngoài và nguồn vốn đối ứng với gần 10 nghìn tỉ đồng hỗ trợ.

Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng DTTS

Sau 5 năm triển khai Đề án 2214, gần 200 dự án giảm nghèo và an sinh xã hội triển khai trong vùng DTTS và miền núi từ Tây Bắc, đến Tây Nguyên, 252 dự án về giáo dục, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho người DTTS được thực hiện, góp phần cải thiện sinh kế và tăng thu nhập một cách bền vững cho hộ nghèo và DTTS...

Trong lĩnh vực y tế, đã có 10 dự án viện trợ (9 dự án ODA và 1 dự án NGO) cho 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng kinh phí khoảng 88.712.151 USD; 9 dự án viện trợ (8 dự án ODA và 1 dự án NGO) hỗ trợ cho 16 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, với kinh phí khoảng 107.845.140 USD.

Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thu hút khoảng trên 100 dự án ODA và phi chính phủ nước ngoài, tập trung vào giúp đồng bào làm quen với phương thức, kiến thức sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với đó là gần 20 dự án liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trên 80 dự án liên quan đến phổ biến, tuyên truyền về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng đồng bào DTTS đã được triển khai...

Phần lớn các dự án tài trợ và thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và miền núi có thời gian thực hiện từ 2 năm trở lên, nhờ đó đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, sức khỏe... cho đồng bào DTTS, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh các thành tích đã đạt được, Đề án 2214 tồn tại một số hạn chế như: tính chủ động, chuyên nghiệp chưa cao; một số địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể trong hợp tác quốc tế; một số thủ tục còn rườm rà, gây chậm chễ trong quá trình thực hiện; còn một số nội dung theo Đề án 2214 chưa được triển khai. UBTD đề nghị cần tăng cường tập huấn, cung cấp thông tin về các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cách tiếp cận các nguồn vốn cho các địa phương. Việc xây dựng các chương trình, đề án cũng cần được xây dựng từ các đề xuất, nhu cầu thực tế của địa phương nhằm đạt tính khả thi cao.

Minh Tuấn - Mai Hương