ĐH Bách khoa Hà Nội công bố phổ điểm thi đánh giá tư duy đợt 1, tổ chức vào ngày 10/6 vừa qua.
Theo thống kê, trong đợt thi thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi là 7.310, trong đó, gần 7.000 thí sinh tham gia thi. Thí sinh điểm cao nhất đạt 96,49/100, điểm thấp nhất là 20,97.
Điểm trung bình thí sinh đạt được là 53,94/100, trung vị tại 53,50/100. 6 thí sinh đạt trên 90 điểm, 38 thí sinh đạt trên 80 điểm. Tỷ lệ thí sinh đạt trên 70 điểm khoảng 4,6%, đạt trên 60 điểm gần 24% và đạt trên 50 điểm chiếm 65,8%.
Phổ điểm thi đánh giá tư duy đợt 1 của ĐH Bách khoa Hà Nội cụ thể như sau:
Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày 10/6, 17/6 và 8/7/2023 tại 9 cụm thi gồm: Hà Nội (10 trường đại học, học viện); Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đai học chính quy là 7.985 sinh viên, trong đó 15-20% cho phương thức xét tuyển tài năng, 85-90% xét tuyển theo điểm thi (tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy).
Thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển vào 32 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết sau 4 năm từ lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, nhà trường đã có nhiều cải tiến theo hướng tiện lợi hơn cho thí sinh.
Trong đó, thời lượng thi hiện đã được rút ngắn còn 150 phút; các thao tác thi cũng được thực hiện trên máy tính. Giám thị sẽ sử dụng phần mềm giám sát thi trong suốt thời gian thí sinh đăng nhập vào phần mềm thi và làm bài thi.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định chuyển từ hình thức thi truyền thống (thi giấy, bài thi trắc nghiệm + tự luận) những năm trước bằng hình thức thi trực tuyến trên máy tính tại các phòng máy của cơ sở tổ chức thi.
Hình thức thi trắc nghiệm với nhiều loại hình câu hỏi: Chọn phương án đúng; Chọn câu trả lời đúng hoặc sai; Điền đáp án; Kéo/thả đáp án. Bài thi đánh giá tư duy đã được điều chỉnh gọn nhẹ (150 phút), với 3 phần thi: Tư duy toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút).
Câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với 3 mức: Mức 1 – Tư duy tái hiện; Mức 2 – Tư duy suy luận; Mức 3 – Tư duy bậc cao.