Mai Tiến Thành (sinh năm 1999) là chàng sinh viên chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại của Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Vừa qua, Thành đã trở thành thủ khoa đầu ra toàn trường với điểm GPA đạt 3.97/4.0. Đây là kết quả khiến cậu sinh viên quê Bắc Ninh không khỏi bất ngờ, bởi theo cậu thì “ở Ngoại thương, các bạn đều là những ‘siêu nhân’, không chỉ giỏi giang, năng động mà còn startup từ rất sớm”.
Từ chối trường chuyên để học trường huyện
Vốn có năng khiếu về các môn tự nhiên, năm 2004, Thành từng thử sức và trúng tuyển vào lớp chuyên toán của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và THPT Chuyên Bắc Ninh. Nhưng sau đó, Thành lại quyết định theo học tại Trường THPT Quế Võ 1 (Quế Võ, Bắc Ninh) vì muốn “có thêm thời gian bên gia đình” và “có điều kiện để học đều các môn hơn”.
Suốt 3 năm THPT, 9X luôn duy trì thành tích học tập ở top đầu của khối. Vì thế, với kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 đạt 29 điểm khối A, bố mẹ Thành mong muốn con sẽ theo học ngành Y, Dược để đi vào con đường nghiên cứu.
Nhưng đó không phải ước mơ của cậu. “Cuối năm lớp 11, sau một số hoạt động ngoại khóa, em nhận ra mình muốn khám phá và trải nghiệm nhiều thứ bên ngoài hơn. Biết tới Trường ĐH Ngoại thương vốn nổi bật về đào tạo kinh tế lẫn các hoạt động đội nhóm, em đã nghĩ đây sẽ là nơi cho mình học hỏi được nhiều thứ”.
Đó cũng là lần đầu tiên, Thành “chống đối” lại mong muốn của bố mẹ.
“Mẹ em là giáo viên nên có phần hơi nghiêm khắc. Ngay đến ngày cuối cùng điều chỉnh nguyện vọng, bố mẹ vẫn chưa hết hy vọng em sẽ đăng ký ngành Y, Dược. Mẹ khóc rất nhiều để thuyết phục em đổi ý vì lo con đường này sẽ vất vả. Nhưng cuối cùng, em vẫn lựa chọn theo ước mơ của mình”.
Mai Tiến Thành (sinh năm 1999) là sinh viên chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại của Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội).
Vào Trường ĐH Ngoại thương, Thành đặt mục tiêu sẽ đẩy nhanh tốc độ để tốt nghiệp sớm, đồng thời tìm kiếm cho mình nhiều cơ hội việc làm hơn.
Luôn đứng trong top đầu của trường phổ thông nhưng tới bậc đại học, Thành mới thấy “xung quanh mình có quá nhiều người giỏi”.
Do đó, thay vì tự học, Thành lập nhóm học tập, trong đó có nhiều bạn học giỏi hơn mình. Cậu cho rằng, mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng, nên việc học theo nhóm sẽ giúp các thành viên có thể cùng đi nhanh và đi xa hơn.
Ngoài ra, nam sinh cũng trân trọng từng đầu điểm như điểm chuyên cần, tích cực phát biểu để nắm bắt cơ hội cộng điểm, không để mất điểm trong những bài kiểm tra giữa kỳ,… Nhờ việc thay đổi chiến thuật học tập cùng sự nỗ lực, chăm chỉ, Thành bắt đầu đạt được mục tiêu giành học bổng khuyến khích của trường.
Đến năm thứ 3, Thành bắt đầu đi trải nghiệm nhiều hơn.
Đến năm thứ 2, có những kỳ, Thành đăng ký tới 30 tín chỉ - nhiều gần gấp đôi các bạn khác trong lớp. Việc chỉ “lao đầu vào học” bắt đầu khiến cậu cảm thấy “quãng thời gian sinh viên của mình dường như đang bỏ lỡ điều gì đó”.
“Việc học đã chi phối thời gian của em quá nhiều. Đến năm 3, khi số lượng môn cần hoàn thành còn lại khá ít, áp lực học giảm xuống, em mới nhận thấy mình đang thiếu hụt một số kỹ năng mềm”.
Thành bắt đầu giảm bớt thời gian học, thực hiện chuyến đi du lịch một mình đầu tiên, tham gia vào Câu lạc bộ Nhà tư vấn luật, Hội Sinh viên luật Châu Á, Diễn đàn mô phỏng Nghị sỹ trẻ. Thông qua đó, 9X cảm thấy mình trở nên tự tin, giao tiếp ổn hơn và kết nối được với nhiều bạn bè.
“Điều đó khác hẳn với trước đây, khi em còn là một cậu sinh viên ít nói, đi học về là giam mình trong nhà”, Thành nhớ lại.
Áp lực với “mức lương nghìn đô”
Sau 3,5 năm, Thành đã tốt nghiệp sớm và trở thành thủ khoa tại ngôi trường hàng đầu về kinh tế. Theo Thành, đây là điều cậu không ngờ tới vào thời điểm vừa bước chân vào trường.
“Em nghĩ dù mình ở vị trí nào thì cũng phải làm tốt nhất và hoàn thiện nhất công việc của vị trí đó. Do đó, em luôn xác định trong quá trình học mình sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể”.
Thành cũng cho biết, trong suốt 3,5 năm học, cậu thường gặp nhiều áp lực bởi những câu chuyện về “sinh viên Ngoại thương ra trường phải được mức lương nghìn đô, thực tập trong tập đoàn đa quốc gia”. Điều đó khiến Thành nhiều lần hoang mang với hướng đi của mình.
Nhưng sau đó, nhờ vào những cuốn sách do cô giáo dạy Văn thời cấp 3 dành tặng trước khi vào đại học, cậu bắt đầu bình tâm trở lại.
“Để có cơ hội làm việc tại một công ty tốt, có mức lương và đãi ngộ cao, buộc ứng viên phải chứng tỏ được năng lực của mình chứ không phải dựa vào danh tiếng tại ngôi trường mình được đào tạo.
Và việc trở thành thủ khoa, em nghĩ rằng đó chỉ là một danh hiệu chứ không phải “tấm vé thông hành” để khoe với nhà tuyển dụng với mong muốn được nhận vào làm việc.
Trên thực tế, nhiều công ty, doanh nghiệp không quá quan trọng về điểm số của ứng viên. Điều họ quan tâm là năng lực làm việc, thái độ và độ gắn bó với công việc trong tương lai”, 9X nói.
Vì thế, thủ khoa Ngoại thương cho biết, những tấm bằng khen nên được “treo ở nơi trang trọng nhất”, sau đó, “cần phải quên đi để bắt đầu một hành trình mới”.
Thủ khoa Ngoại thương cho rằng, những tấm bằng khen nên được “treo ở nơi trang trọng nhất”, sau đó, “cần phải quên đi để bắt đầu một hành trình mới”.
Tốt nghiệp sớm, từ tháng 7 năm ngoái, Thành đã có cơ hội làm việc ở trong bộ phận tài trợ thương mại của một ngân hàng có tiếng. Sau đó, cậu chuyển sang làm tại khối khách hàng doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Thành vẫn muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có thể tìm kiếm cơ hội ở vị trí tín dụng doanh nghiệp.
Thúy Nga
Cú sốc 'đội sổ' của nam sinh từng giành giải quốc gia và đi thi quốc tế
Từng là học sinh giỏi quốc gia, được chọn thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên khi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Đức đã trải qua học kỳ đầu “tồi tệ” với điểm trung bình 1.0/4.0.
Nam sinh Thanh Hóa thành thủ khoa đại học với điểm GPA gần tuyệt đối
Với điểm tổng kết 3,95/4, Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên K62 Tài năng Hoá học là thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).