Thời gian gần đây liên tục xuất hiện các hình thức lừa đảo chuyển tiền nhằm vào người dùng Việt Nam. Trong những vụ việc này, các đối tượng xấu đều sử dụng tài khoản ngân hàng “ma”, không chính chủ để tẩu tán tài sản đánh cắp được. Do đó, việc lần theo, truy bắt các đối tượng lừa đảo gặp không ít khó khăn.
Xin hỏi luật sư, việc thu mua, thuê tài khoản ngân hàng nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào?
-Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính trả lời: Hành vi thu mua, thuê tài khoản ngân hàng, thuê thông tin cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mục đích của đối tượng mua, tùy tính chất và mức độ mà hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự bởi các tội danh khác nhau.
Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng như sau:
Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tới dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 50-100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, quy định tại Điều 291 BLHS 2015.
Hình phạt lên đến 7 năm tù đối với một trong các trường hợp: Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra tùy mục đích thu mua tài khoản ngân hàng mà đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu các tội tương ứng. Nếu sử dụng thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn gian dối thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu dùng thông tin cá nhân của người khác để đưa thông tin sai sự thật, để bôi nhọ, xúc phạm thì phạm tội Vu khống. Nếu thu mua các tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân khác để làm giả các tài liệu, giấy tờ thì sẽ bị xử lý về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Luật sư viện dẫn Điều 291, tội Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, theo đó quy định:
1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20- dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính 20- 50 triệu đồng thì bị phạt tiền 20- 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền 100- 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tù:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50- dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50- 200 triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2- 7 năm tù:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.