Sự kiện này có gì đáng bàn luận? Thiếu bộ trưởng thì đương nhiên phải có bộ trưởng mới. Xưa nay vẫn vậy. Điểm đáng nêu trong trường hợp này là cả 2 vị tân Bộ trưởng Đào Hồng Lan và Nguyễn Văn Thắng đều không được đào tạo đúng chuyên ngành được bổ nhiệm làm bộ trưởng bây giờ.
Cách làm mới
Nhìn lại các vị đã từng là bộ trưởng Y tế ở nước ta thì thấy tất cả đều học ngành y, trưởng thành trong ngành y tế. Bộ trưởng GTVT có khác đôi chút, bởi cũng có lúc người đứng đầu Bộ không học đúng chuyên ngành giao thông.
Dường như cũng có tính quy luật khi xem xét gốc đào tạo của các vị thành viên Chính phủ nước ta. Có những bộ thì gốc đào tạo cực rộng, nôm na là học ngành nào cũng được, ví dụ như ngành nội vụ, ngành lao động, thương binh và xã hội… Nhưng lại có những bộ mà lâu nay nói đến bộ trưởng thì đương nhiên các vị này phải học hành đúng chuyên ngành mà mình là người đứng đầu, ví dụ như ngành tư pháp, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, quốc phòng, công an…
Ở nước ta, cho đến thời điểm hiện tại, rất khó có thể hình dung bộ trưởng Tư pháp mà lại là cử nhân văn hóa, bộ trưởng Giáo dục mà lại là tiến sỹ về xây dựng. Vốn y tế và GTVT trước đây cũng nằm trong phạm trù học đúng ngành, nhưng giờ đây, với việc phê chuẩn của Quốc hội về Bộ trưởng 2 ngành này nên đã có sự thay đổi cơ bản.
Thực ra, ở nhiều nước trên thế giới, bộ trưởng phụ trách các bộ không có yêu cầu bắt buộc phải học về ngành hay lĩnh vực mà họ là người đứng đầu.
Lý do thứ nhất rất đơn giản, phần lớn các bộ đều là đa ngành, đa lĩnh vực. Không ai có thể học đến 3 hay 4 ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của một bộ.
Lý do thứ hai quan trọng và quyết định hơn, đó là bộ trưởng ở các nước này là chính khách, có nghĩa là họ chịu trách nhiệm về chính sách của bộ, ví dụ như chính sách quốc phòng, chính sách an ninh quốc gia, chính sách công chức… Cho nên ở nhiều nước, bộ trưởng Quốc phòng không phải là quân nhân, lại càng không là một vị tướng.
Lý do thứ ba không kém phần quan trọng, đó là giúp việc bộ trưởng như vậy có cả một bộ máy hành chính của bộ khá chuyên nghiệp. Đây là đội ngũ công chức giàu kinh nghiệm và đủ năng lực tham mưu cho bộ trưởng trong hoạch định thể chế, chính sách theo chỉ đạo của bộ trưởng.
Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng GTVT mới của nước ta rõ ràng mang dấu ấn của cách bố trí nhân sự như các nước vừa nêu. Có ý kiến lo ngại như vậy sẽ làm khó cho 2 vị tư lệnh ngành mới được bổ nhiệm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là một cách làm mới, là một thử nghiệm về chính sách cán bộ của Đảng. Không thử, không thí điểm thì làm sao có được kinh nghiệm.
Đi từ thí điểm rồi nhân rộng
Nhìn lại công tác cán bộ của Đảng từ 1986 trở lại đây thì thấy bên cạnh những cách làm truyền thống đã có thêm khá nhiều đổi mới nhằm tạo ra những yếu tố tích cực trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Sơ bộ có thể thấy những yếu tố này ở những chính sách cán bộ như sau:
- Luân chuyển cán bộ từ trung ương về địa phương và ngược lại;
- Muốn trở thành bộ trưởng thì một trong những tiêu chuẩn là phải kinh qua chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh;
- Bố trí bí thư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không là người địa phương;
- Đổi mới công tác đánh giá cán bộ gắn nhiều hơn với kết quả công tác;
- Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
- Thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý;
- Kê khai tài sản;
- Khuyến khích cán bộ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật từ chức…
Thực tế đã cho thấy sự thành công của nhiều chính sách, giải pháp về công tác cán bộ vừa nêu. Đáng chú ý là nhiều chính sách, giải pháp cũng phải đi từ thí điểm rồi mở rộng và khi đạt kết quả tốt mới triển khai đại trà trong cả hệ thống chính trị.
Như vậy, sơ bộ có thể thấy việc 2 Bộ trưởng Đào Hồng Lan và Nguyễn Văn Thắng mới được Quốc hội phê chuẩn là một thử nghiệm mới trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Thời gian sẽ cho câu trả lời về mức độ thành công của sự thử nghiệm này.
Kinh nghiệm cho thấy cái mới, cái chưa từng làm thường khó, nhưng một khi thành công sẽ mở ra những khả năng to lớn cho sự nhân rộng để đạt được kết quả lớn hơn nhiều trong thực tiễn.