Mục đích thử nghiệm trong kinh doanh
Thử nghiệm trong kinh doanh (sản phẩm, giá cả, dịch vụ…) không giống như thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Có ít cơ hội để đối chứng ngay kết quả, mà phải điều chỉnh, sửa chữa trong lúc cả doanh nghiệp vẫn như con tàu đi trên biển.
Bạn chỉ có cách cân nhắc các chi phí cơ hội với thử nghiệm này, điều chỉnh phương pháp và quy mô cho phù hợp. Có thể cuối cùng nó không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng vẫn mang lại thông tin ích lợi như “đây là phương án dở, không nên đầu tư vào nó thời điểm này”. Bởi mục đích của thử nghiệm là giúp các lãnh đạo có thêm dữ kiện khi ra quyết định trong một thị trường luôn biến động, chứ không phải đi tìm chân lý vĩnh cửu. Những gì bạn thử nghiệm ngày hôm nay có thể giúp hình thành đáp án cho ngày mai.
Cân nhắc thông tin từ dữ liệu
Bạn cần dữ liệu đáng tin cậy để tránh đầu tư vào những thứ vô nghĩa. Như trong các dự án máy học (learning machine), các nhà khoa học dữ liệu và nhóm CNTT dành ra tới 80% thời gian và chi phí để tinh lọc dữ liệu do: thông tin đầu vào không nhất quán, quan điểm về hành vi của người mua đã lỗi thời và các giả định không còn chuẩn. Cuối cùng, 20% còn lại sẽ quyết định các bước hành động tiếp theo.
Giả sử công ty bạn có các thử nghiệm dựa trên dữ liệu trong hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Thế nhưng mỗi bộ phận lại cung cấp lên hệ thống một báo cáo kết quả tổng hợp khác biệt về tiêu chí. Và thay vì kiểm tra một vài khả năng thì hệ thống của bạn sẽ phải kiểm tra hàng loạt khả năng. Như vậy, bạn cần thiết kế những mẫu báo cáo phù hợp để kiểm tra các thông số chung nhằm đánh giá hành vi, thói quen của khách hàng. Những mẫu báo cáo chuẩn sẽ còn có thể sử dụng cho vài năm, chỉ thay đổi về dữ liệu đầu vào.
Thiết lập các tiêu chí ra quyết định
Máy tính cung cấp dữ liệu, nhưng sử dụng dữ liệu đó và ra quyết định theo tiêu chí nào thì phụ thuộc hoàn toàn vào con người. Vậy hãy làm rõ các tiêu chí đánh giá bởi vì thử nghiệm trong kinh doanh cuối cùng vẫn nhằm tìm ra các lựa chọn tối ưu nhất. Nếu công ty của bạn không xác định được các tiêu chí để giải nghĩa các quyết định, nghĩa là thời gian và tiền bạc sẽ được sử dụng cho một chuyến đánh bắt diện rộng mà không đi tới đâu cả.
Để tránh điều này, công ty nên tiến hành kết hợp các cuộc khảo sát, thử nghiệm A/B, các hoàn cảnh khác nhau của người dùng và chỉ định trước các tiêu chí của sản phẩm/dịch vụ để đưa ra quyết định. Các tiêu chí này sẽ giúp cả tập thể cùng đối thoại dựa trên một khung chung và sử dụng dữ liệu có mục đích và chọn lọc hơn. Điều đó cũng có nghĩa là các tiêu chí này cần có sự tham gia xây dựng từ các bộ phận khác nhau (bán hàng, tiếp thị, vận hành, tài chính, nghiên cứu phân khúc khách hàng). Những quan điểm khác nhau sẽ tránh việc các ý tưởng hiệu quả bị chặn lại bởi tư duy chọn tối ưu hóa thay vì giá trị toàn diện cho doanh nghiệp.
Lưu ý đến những ý tưởng "nhỏ"
Các công ty có xu hướng phân bổ thời gian và tiền bạc để thử nghiệm các sáng kiến lớn trong khi bỏ qua những ý tưởng nhỏ mà về mặt tổng thể có thể có tác động lớn hơn với ít rủi ro hơn.
Để tránh điều này, cần xác định từ đầu rằng doanh nghiệp đang tìm kiếm sự tiến bộ chứ không phải sự hoàn hảo, và vì thế nên xây dựng quy trình cho phép nhân viên đề xuất những ý tưởng tưởng như nhỏ nhặt. Hệ thống đề xuất trực tuyến sẽ không tốn kém, nhất là khi bạn đặt ra đúng câu hỏi cho nhân viên:
- Bạn muốn đề xuất trên nền tảng nào của dịch vụ (trực tuyến, hệ thống mua hàng trực tiếp…)?
- Bạn muốn giải quyết vấn đề nào trong quy trình kinh doanh/phục vụ khách hàng?
- Ý tưởng của bạn là gì?
- Bạn có gợi ý gì về nguồn lực để thực hiện ý tưởng đó?
Đại dịch đã chứng minh, thị trường có thể thay đổi chóng mặt và các doanh nghiệp buộc phải thích ứng để tồn tại. Lưu ý rằng đổi mới không chỉ là việc đầu tư, lưu trữ dữ liệu mà là làm thế nào để ứng dụng dữ liệu đó vào các thử nghiệm, từ đó phát huy nguồn lực con người trong tổ chức của bạn.
(Nguồn: CareerViet)