Hà Nội, những ngày tháng 6 năm 2022
Thân gửi các Nhà báo thân quen!
Vậy là chúng ta đang sống trong những ngày tháng 6. Những cơn mưa đầu hạ bất thường khiến giao thông đi lại thêm phần cách trở. Nhiều hoạt động bỗng chốc bị ngưng trệ. Con đường đến với nhau, vì vậy cũng khó khăn hơn. Nhưng trong sâu thẳm, chúng ta vẫn gần nhau trong tâm thức.
“Đường đi khó không vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông!”. Sau khoảng thời gian chớm đầu ngập ngừng, giờ chúng ta vượt qua e ngại và dần hiểu nhau hơn. Điều may mắn là được quen biết và kết nối thêm nhiều người bạn, để bước cùng nhau trên hành trình cuộc đời. Tôi cũng vậy, mỗi khi kết nối thêm một người, trong đó có các anh chị em nhà báo, là cảm nhận mình được mở rộng thêm tri thức, trải rộng thêm tầm nhìn. Và tri thức, tầm nhìn suốt cuộc đời mỗi người chưa bao giờ là đủ sâu, đủ rộng,...
Một nhà báo nổi tiếng từng tự sự: “Tôi trở thành nhà báo để có thể tiến gần hơn đến trái tim của nhân loại”. Tương tự như vậy, những nhà báo viết về nông nghiệp, nông thôn, cũng có thể tự hào rằng, mỗi tác phẩm báo chí của mình là để tiến gần hơn đến trái tim của người nông dân. Tiến đến để tạo ra, lan tỏa cảm xúc tích cực tới người nông dân, và luôn nuôi dưỡng mạch nguồn cảm xúc đó, trong suốt quá trình gắn bó với nghề báo. Mỗi người luôn có trong sâu thẳm những cảm xúc tích cực, nhưng đôi khi bị đè nén, chèn ép bởi cảm xúc tiêu cực do những va đập lợi ích hàng ngày. Phải vậy chăng, mà sứ mệnh của “báo chí xây dựng”, của “báo chí giải pháp” là “gạn lược” những điều đang đè nén, chèn ép đó, “khơi gợi” những giá trị tốt đẹp, tử tế, để mỗi người lạc quan hơn, dù cuộc sống luôn bộn bề những khó khăn, nghịch cảnh.
Nông nghiệp, ở mọi nơi trên thế giới, từ xa xưa đến tận ngày nay và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, là luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn, rủi ro. Thời tiết, dịch bệnh, giá cả đầu vào, thị trường đầu ra,… luôn rình rập rủi ro, khiến người nông dân cứ phải thấp thỏm từng mùa vụ. Ba chữ “biến” trong nông nghiệp là đặc điểm mang tính thời đại: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đứng trước ba chữ “biến” đó, không dễ đưa ra dự báo thị trường chính xác trong dài hạn, thậm chí cả trong ngắn hạn. Nhưng vẫn có yêu cầu bất biến trong mọi tình huống, mà người nông dân và ngành nông nghiệp cần chủ động thích ứng, là “tăng chất lượng - giảm chi phí”. Đó không phải là sự đối phó nhất thời hay giải pháp tình thế, mà là sự thay đổi, chuyển đổi có tính chiến lược trong dài hạn.
Đó cũng là điều cốt yếu để xây dựng một nền Nông nghiệp Xanh trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã được ban hành. Đây sẽ là “mảnh đất” còn nhiều “dư địa” để các nhà báo “cày xới”, “vun bón”, làm cho “màu mỡ” thêm. Tôi tâm niệm rằng, nhà báo không chỉ mô tả, ghi nhận hiện tượng khách quan, mà qua đó lý giải, phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan, và nhất là đưa ra khuyến nghị tích cực, đề xuất giải pháp mang tính xây dựng, cho dù đang phản ánh những điều tiêu cực nhất.
Con người như một cỗ máy, muốn làm việc với hiệu suất, năng suất cao, cần đến nguồn năng lượng. Cảm xúc tích cực làm nguồn năng lượng dồi dào hơn, bền bỉ hơn, ngược lại, cảm xúc tiêu cực sẽ làm nguồn năng lượng nhanh chóng vơi đi. Niềm tin xã hội cũng là nguồn lực giúp xã hội thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, nhờ mỗi người sẵn lòng chung tay vượt qua khó khăn nhất thời và lan toả nhiều khát vọng hơn trong việc đặt ra những mục tiêu dài hạn.
Ngành nông nghiệp, từ sản xuất đến kinh doanh, có đặc thù là trải ra trên diện rộng, nhiều đối tượng tham gia và diễn biến liên tục qua từng ngày, từng mùa vụ. Do đó, mọi chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch hành động,… đều sẽ không thành công nếu không có một hệ sinh thái nông nghiệp gắn kết, bền vững. Trong hệ sinh thái đó, mỗi nhà báo là một nhân tố vô cùng quan trọng. Vậy, chúng ta sẽ suy nghĩ và hành động, thông qua quá trình tác nghiệp của mình, với vai trò là người trong cuộc.
“Bức xúc không làm ta vô can”. Chúng ta vẫn thường nói với nhau về “giá trị cộng thêm”, về “đa tầng”, “đa giá trị” như hướng đi dài hạn, để nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đó không chỉ dừng lại trong các khâu sản xuất, chế biến, vận hành, tiêu thụ,…, mà chính từng ngòi bút của báo chí, truyền thông là công cụ hiệu quả nhất để truyền tải, lan tỏa thông điệp, thương hiệu, giá trị sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế. Truyền thông góp phần tạo nên giá trị tăng thêm cho sản phẩm chính là đóng góp thiết thực giúp đời sống của người nông dân ngày thêm no ấm hơn. Tôi tâm niệm như vậy, hy vọng như vậy, mong mỏi như vậy.
Một lần nữa, xin gửi gắm tâm niệm của một nhà văn nổi tiếng: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn”, như lời nhắc nhở cá nhân tôi và các bạn, chúng ta cùng nhau hợp lực vì sự nghiệp “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn”.
Ngày tri ân Nhà báo Việt Nam sắp đến. Rất tiếc bản thân tôi không có điều kiện gặp gỡ tất cả các nhà báo thân quen, nhưng trong tâm trí của tôi vẫn ghi đậm hình ảnh mỗi người. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của riêng tôi vì đã được quen biết các bạn và hy vọng sẽ được kết thân thêm những người bạn còn chưa có dịp gặp nhau.
Đón chào ngày 21 tháng 6 nhiều ý nghĩa và tràn đầy năng lượng tích cực, mến chúc Quý Nhà báo ngày càng đến gần hơn trái tim của Bà con Nông dân!
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan