Sáng 6/6, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó nhiều câu hỏi của đại biểu xoay quanh vấn đề lao động, việc làm.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động ở nước ta hiện nay. Bộ trưởng cho biết cần quan tâm và có những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất?”, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) chất vấn.
Lương dệt may là 7,2 triệu, da giày 8 triệu, chế biến gỗ 7,4 triệu, điện tử là 9 triệu
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thu nhập bình quân của người lao động làm công ăn lương trong quý 1 năm 2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý 4 năm 2022, tăng giá trị tuyệt đối là 204 nghìn đồng. Trong đó các ngành nghề cơ bản như dệt may là 7,2 triệu, da giày 8 triệu, chế biến gỗ 7,4 triệu, điện tử là 9 triệu
Bộ trưởng nhận định, những con số này cho thấy các doanh nghiệp đã cố gắng rất lớn, doanh nghiệp và người lao động đã có chia sẻ với nhau. Và thu nhập của người lao động về cơ bản đã được điều chỉnh...
“Tuy nhiên hiện nay lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; đặc biệt là đời sống của các lao động nữ”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Về giải pháp căn cơ, ông Dung cho rằng, việc đầu tiên là tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập và đời sống cho người lao động. Cùng với đó là đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề; chăm lo đời sống phúc lợi xã hội; tăng cường các kết nối, giới thiệu việc làm...
Chăm lo đào tạo ngay từ sớm, từ khi chưa thất nghiệp
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chỉ rõ, từ thực tế cắt giảm lao động của một số doanh nghiệp, cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc làm là rất thấp, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút BHXH một lần.
“Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp hoặc tham mưu để hỗ trợ đối tượng này sau khi mất việc làm”, ĐB Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kể: “Tôi đã đọc lại báo cáo về lĩnh vực giày da, dệt may. Cách đây một tháng, Thủ tướng phân công tôi đi thực tế các địa phương, tôi thấy hầu hết các ngành nghề dệt may, giày da là lao động nữ. Thậm chí có những ngành nghề có 80% lao động nữ”.
Theo Bộ trưởng, hầu như thời gian qua, đối tượng mất việc làm, giãn việc làm rơi vào lao động nữ...
Từ thực trạng này, ông Dung đưa ra một số giải pháp như phải chăm lo đào tạo ngay từ sớm, từ khi chưa thất nghiệp, để người lao động đến 40 tuổi có nhiều cơ hội việc làm.
“Với ngành dệt may tuổi này là năng suất làm việc thấp rồi. Trong khi đó, những người làm chủ bao giờ cũng nhằm vào những người như thế để cắt giảm lao động, nên không có giải pháp sớm thì đời sống của họ rất khó khăn”, Bộ trưởng nêu thực tế.
Tư lệnh ngành lao động cho biết, Thủ tướng, Chính phủ đưa ra 3 giải pháp chăm lo cho công nhân.
Cụ thể là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo việc làm ổn định, thực hiện các chính sách đang có, chăm lo phúc lợi xã hội thiết yếu để đảm bảo cho người phụ nữ bớt khó khăn thiệt thòi.
Khi người lao động trở về địa phương, các địa phương có cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho người lao động nữ thích ứng.