VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trần Hồng Tiến (SN 1974), Nguyễn Đức Khoa (SN 1991), Võ Thị Cẩm Vân (SN 1984, đều ở TPHCM) và 42 bị can khác về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo cáo buộc, Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (Công ty Mirae Asset) có trụ sở tại quận 1, TPHCM hoạt động trong lĩnh vực tài chính, cho các cá nhân vay tiền dưới hình thức tín chấp. Theo đó, người vay phải cung cấp bản phô tô căn cước công dân, sổ hộ khẩu, số điện thoại của người vay và cả số điện thoại của người thân, bạn bè của người vay tiền.

Hàng tháng, khách hàng trả tiền gốc và lãi. Các khoản vay mà khách hàng cá nhân chậm trả hoặc không thực hiện việc trả tiền gốc và lãi vay gọi là nợ xấu. Đối với các khoản nợ xấu, Công ty Mirae Asset ký hợp đổng thỏa thuận bán nợ cho các công ty khác để thực hiện thu hồi nợ.

Năm 2017, Lê Quốc Thống (SN 1978, ở TPHCM) và Trần Hồng Tiến cùng nhau thành lập nhiều công ty để mua lại các khoản nợ xấu của Công ty Mirae Asset, sau đó tổ chức thu hồi nợ. Các khoản nợ xấu được các bị can mua lại với giá mua bằng 12 - 15% giá trị của tổng số tiền khách nợ. 

475820883_542896252101638_4245194914721550279_n.jpg
Ảnh minh họa.

Từ tháng 7/2018 - 8/2022, nhóm của Thống và Công ty Mirae Asset đã ký thỏa thuận mua lại 238.160 hợp đồng vay của các khách hàng cá nhân vay của Công ty Mirae Asset. Tổng giá trị 238.160 hợp đồng hơn 3.555 tỷ đồng, Công ty đã đòi được hơn 571 tỷ đồng. 

Sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ Công ty Mirae Asset, bộ phận vận hành (Accout) cùng bộ phận kỹ thuật (IT) sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của Công ty. 

Sau đó phân chia vào từng tài khoản của nhân viên bộ phận thu hồi nợ để trực tiếp đòi nợ bằng cách gọi điện, yêu cầu khách hàng trả tiền hoặc gọi điện cho người thân, đồng nghiệp của khách hàng để gây sức ép buộc khách hàng phải trả tiền. 

Các đối tượng đòi nợ bằng cách dùng nhiều số điện thoại khác nhau (sử dụng các sim “rác”) liên tục gọi trong thời gian dài, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của “con nợ” với mục đích tạo sức ép khiến khách hàng phải trả. Nếu khách hàng không trả tiền, các đối tượng sẽ cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. 

Sau đó, các đối tượng tạo lập, dùng các tài khoản Facebook, Zalo ảo đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền. 

Hàng tháng, Công ty của Thống và Tiến sẽ cấp cho mỗi nhân viên thu hồi nợ từ 400 - 500 hợp đồng vay (gồm toàn bộ thông tin liên quan của khách hàng) để đòi nợ. Công ty thậm chí còn khoán doanh số đòi nợ cho các nhóm lao động. Nếu hai tháng liên tiếp nhân viên không đòi đủ số tiền theo quy định sẽ bị đuổi việc. Ngoài ra, để khuyến khích nhân viên thu hồi nợ, Công ty sẽ có thưởng % theo khoản nợ đòi được. 

CQĐT xác định được 26 người bị các đối tượng sử dụng thủ đoạn đe dọa, cưỡng đoạt tổng số tiền hơn 904 triệu đồng. Trong số những người bị hại có anh N.H.N (SN 1983, ở Hà Nội). Anh này vay của Cty Mirea Asset 50 triệu đồng với lãi suất 5,25%/tháng, trả trong vòng 24 tháng, mỗi tháng trả hơn 3,7 triệu đồng. Anh N. trả được 12 tháng, đến tháng 6/2018 thì không trả được tiếp.

Tháng 4/2019, Công ty Mirea Asset bán khoản nợ của anh N. cho công ty của các bị can. Tháng 9/2022, nhân viên thu hồi nợ thuộc công ty của Tiến nhiều lần gọi điện cho anh N. với thái độ gay gắt để đòi nợ. Nhân viên này còn gọi điện cho vợ anh N. yêu cầu trả nợ thay cho chồng, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình họ.

Nhiều ngày sau đó, nhân viên đòi nợ gọi điện đến trường học, nơi con anh N. đang theo học; gọi cho nhà trường thông báo mình là chủ nợ của anh N., yêu cầu anh N. có trách nhiệm trả tiền. Sau đó, trên Facebook của trường học liên tục nhận được những bình luận với nội dung xúc phạm nhà trường, xúc phạm danh dự giáo viên…