'Thủ phủ' giấy Phong Khê - 'bức tử' cả con sông, ngột ngạt không khí
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tổng kết 4 năm thực hiện đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025. UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND TP. Bắc Ninh làm việc với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Phong Khê II về việc đầu tư khu xử lý nước thải Phong Khê tại Cụm công nghiệp Phong Khê II.
"Nếu chủ đầu tư không thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì kiên quyết dừng hoạt động sản xuất tại Cụm công nghiệp Phong Khê II", thông báo nêu rõ.
Ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh), cho biết, hiện Cụm công nghiệp Phong Khê II có 51 cơ sở. Trong đó, nghề làm giấy là chiếm đa số.
"Cụm công nghiệp Phong Khê II chủ yếu làm giấy, chỉ có vài cơ sở sản xuất nhựa; khí hơi và xử lý chất thải", ông Hà cho biết.
Phường Phong Khê, TP. Bắc Ninh là một trong những cái nôi của nghề làm giấy dó truyền thống và giấy công nghiệp, nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, câu chuyện ô nhiễm mà các cơ sở sản xuất giấy là tác nhân chính cũng là vấn đề nhức nhối của địa phương này nhiều năm qua.
Theo ghi nhận của PV. VietNamNet, những cột khói cả trong lẫn ngoài Cụm công nghiệp Phong Khê II ngùn ngụt bốc lên không trung, khiến không khí trở nên ngột ngạt.
Tương tự, những ống cống nước thải đổ ra sông Ngũ Huyện Khê bốc mùi nồng nặc, màu nước bất thường xuất hiện hàng ngày đang "bức tử" con sông này.
Ông Nguyễn Hà cho biết, trước mắt TP. Bắc Ninh đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn điện... đối với các chủ hộ sản xuất, kinh doanh. Vận động nhân dân và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường; có phương án hoạt động, di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Cùng với đó, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, với lực lượng nòng cốt là Công an thành phố, Phòng TN&MT, UBND phường Phong Khê và có sự tham gia của các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi xả thải ra môi trường.
Với mục tiêu đặt ra, đến hết tháng 10 sẽ giải quyết dứt điểm các trường hợp sản xuất trong khu dân cư, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong Cụm công nghiệp Phong Khê I, II; nghiêm túc thực hiện niêm phong, tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt nếu các chủ sản xuất cố tình chống đối.
Các vùng lân cận khổ sở vì ô nhiễm nặng
Những năm qua, người dân ở các thôn của xã Vân Hà, thị xã Việt Yên và một số tổ dân phố của thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước từ các cơ sở sản xuất giấy Phong Khê xả ra sông Ngũ Huyện Khê.
Ông Nguyễn Ngọc Lân, Chủ tịch UBND thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, cho hay, người dân nhiều lần kêu cứu, nhưng do nguồn phát sinh chất thải không nằm trên địa bàn nên rất khó để giải quyết.
"Chúng tôi mong cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm phối hợp với tỉnh Bắc Ninh thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp bảo vệ môi trường khu vực giáp ranh liên tỉnh. Trên thực tế, năm nay đã xuất hiện 3 lần cá chết trên sông Cầu", ông Lân nói.
Theo ông Lân, nguyên nhân những đợt cá chết, có thể vẫn do nước bị ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê chảy ra sông Cầu xuôi xuống đến Yên Dũng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, thừa nhận, vấn đề ô nhiễm khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã kéo dài nhiều năm nay. Tuy nhiên, do chủ thể gây ô nhiễm nằm ngoài địa bàn tỉnh Bắc Giang nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp hữu hiệu xử lý dứt điểm.
"Ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu là do ảnh hưởng từ việc sản xuất giấy bên Phong Khê, chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị tỉnh Bắc Ninh và Bộ TN&MT nhưng vẫn chưa được giải quyết", ông Tưởng nói.