Công nghệ của tương lai rất gần
Cho đến thời điểm này, mạng di động thế hệ 5 (5G) siêu nhanh, công nghệ mạng Internet di động mới nhất với tốc độ truyền tải dữ liệu hứa hẹn tăng tốc gấp từ 10-20 lần so với hiện tại đang được thúc đẩy ở nhiều quốc gia, hầu hết các mạng di động lớn đã bắt đầu triển khai cung cấp dịch vụ, phần lớn chọn mốc 2020.
Hiện số lượng thiết bị đầu cuối 5G được công bố tiếp tục tăng nhanh và tương đối sẵn sàng cho 5G thương mại. Đến nay, có 81 nhà cung cấp thiết bị đã công bố các thiết bị đầu cuối 5G có sẵn hoặc chuẩn bị ra mắt và 283 thiết bị đầu cuối được công bố.Trong năm 2019, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp gồm: Viettel, VNPT và MobiFone tại 4 tỉnh thành Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm đối với các thuê bao nội bộ để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ mới.Để nhiều khách hàng có điều kiện trải nghiệm tốc độ vượt trội của 5G trong tháng 12/2020, VNPT triển khai vùng phủ sóng 5G liền mạch tại các quận trung tâm của Hà Nội và Hồ Chí Minh, bao gồm các địa điểm tập trung đông người, không gian công cộng.
VinaPhone và MobiFone sẽ cung cấp dịch vụ 5G vào tháng 12/2020 |
Bên cạnh việc cung cấp mạng 5G tốc độ cao, VNPT còn hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ phong phú trên nền tảng mạng 5G bao gồm, các dịch vụ dữ liệu di động băng thông rộng tăng cường như dịch vụ data tốc độ cao, video nội dung 4K/8K, FWA (ứng dụng truy cập vô tuyến cố định), video thực tế ảo VR và các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như điều khiển robot.
Cùng với VNPT, MobiFone cũng tuyên bố thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại TP.HCM vào tháng 12/2020. Hiện MobiFone đang gấp rút lắp đặt thiết bị, chuẩn bị mọi mặt về kỹ thuật, nhân sự, địa điểm cho việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại. MobiFone sẽ thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G trên băng tần 2.600MHz. MobiFone đang gấp rút triển khai các giải pháp, phương án kỹ thuật cho quá trình phát sóng thử nghiệm 5G thương mại. Dự kiến, MobiFone sẽ triển khai trên nền tảng 5G các dịch vụ Internet tốc độ cao, như Video 4K, 8K, các Game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service…
Trước đó, ngày 17/1/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công. Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Theo ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ kết nối IoT trên nền 4G LTE-M và NB-IoT đã được Viettel triển khai và trở thành một trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai các công nghệ này.
Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên trên thị trường giúp Việt Nam bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với các công nghệ 3G và 4G thì Việt Nam triển khai sau thế giới, nhưng với 5G Việt Nam đang trong nhóm những nước đi đầu. Đi sau các nước về công nghệ 3G và 4G, Việt Nam có được những bài học kinh nghiệm của các nhà mạng đã triển khai trước đó. Còn với 5G chúng ta đi đầu nên bắt buộc phải tìm ra hướng đi cho mình.
Tổng Giám đốc MobiFone Tô Mạnh Cường cho hay, MobiFone là nhà mạng khác với VNPT và Viettel khi chỉ kinh doanh dịch vụ di động. MobiFone có lợi thế khi triển khai công nghệ 5G và muốn đi đầu về công nghệ này.
“Nhu cầu dịch vụ 5G khác với những dịch vụ như 2G vì nó phục vụ cho những dịch vụ cần có tốc độ cao và độ trễ thấp. Chúng tôi sẽ triển khai 5G ở những vùng nơi có lưu lượng cao và nhu cầu lớn là các trung tâm các thành phố lớn, sau đó lan dần ra các khu vực khác. Rõ ràng nhu cầu 5G và cả thiết bị 5G cũng chưa phổ biến. Nhưng việc ra mắt iPhone 12 là điểm rơi phù hợp cho công nghệ này. Bên cạnh đó, nhu cầu và cung cấp dịch vụ 5G cũng như câu chuyện “con gà quả trứng” cái nào có trước cái nào có sau. Tôi cho rằng, khi mình cung cấp dịch vụ 5G sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng công nghệ này với các ứng dụng như truyền hình độ nét cao hay xe tự lái…”, ông Tô Mạnh Cường nói.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho hay, cho dù 5G chưa có nhiều ứng dụng, nhưng VNPT vẫn sẽ triển khai sớm.
Thử thách của tư duy dẫn đầu
Cho đến thời điểm này, cho dù các nhà mạng lớn đều tuyên bố tiến vào 5G, thế nhưng câu chuyện 5G ở Việt Nam không phải là bức tranh màu hồng, bởi những nhà mạng đi đầu về công nghệ cũng sẽ có thể đối mặt với những rủi ro khi cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối còn chưa nhiều và mô hình kinh doanh 5G chưa có. Một chuyên gia viễn thông cho rằng, có rất nhiều ứng dụng mà chỉ 5G mới có thể mang lại. Đó là câu chuyện về thành phố thông minh, xe tự lái, phẫu thuật từ xa,...
Do vậy, nhu cầu sử dụng của 5G là có thật, dù tập khách hàng hiện chưa hẳn đã nhiều. Mục tiêu khi triển khai 5G không phải để Việt Nam trở thành nước đi đầu. Thay vào đó, việc triển khai 5G phải vì lợi ích của người dân Việt Nam, lấy lợi ích của người sử dụng Việt Nam làm mục tiêu gốc rễ. Dẫu vậy, nếu không dấn thân và chấp nhận thách thức cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam mãi sẽ nằm ở trong danh sách các nước trung bình về công nghệ. Trong cuộc chạy đua về công nghệ sẽ không có chỗ cho những quốc gia có tư duy trung bình.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta cũng đã có nhiều tư duy đột phá để đưa viễn thông Việt Nam từ nghèo nàn lạc hậu để trở thành quốc gia có công nghệ dẫn đầu.
Những thập niên cuối 80 và đầu 90, Việt Nam với tư duy đổi mới mạnh mẽ đã vượt qua khó khăn, bằng tư duy sáng tạo, quyết tâm đổi mới đã chuyển đổi mạng viễn thông từ analog sang digital thành công.
Tư duy đổi mới và tầm nhìn xa đã quyết tâm từ bỏ công nghệ cũ, đi thẳng vào công nghệ hiện đại để lựa chọn công nghệ 2G GSM để trở thành những nhà khai thác trong top đầu trên thế giới triển khai công nghệ này; đưa di động Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tránh được những cú “tai nạn” về công nghệ.
Các chuyên gia cho rằng, 5G là công nghệ phù hợp cho cuộc cách mạng 4.0 bởi nó có tốc độ truyền siêu tốc và độ trễ rất thấp, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt trọng điều khiển các thiết bị IoT. Vì vậy, tất cả các quốc gia, các nhà mạng phải tận dụng cơ hội này và Việt Nam đã chủ động bước lên chuyến tầu 5G một cách mạnh mẽ.
Lịch sử của viễn thông Việt Nam đã minh chứng Việt Nam đã vượt qua trùng trùng gian khó để dẫn đầu về công nghệ viễn thông. Lịch sử cũng chính là nền móng để một lần nữa, Việt Nam vẽ lên bản đồ viễn thông thế giới – một quốc gia đi đầu về 5G. Tư duy đột phá về công nghệ 5G chính là sự nối tiếp của tư duy đổi mới của ngành Bưu điện từ hơn 30 năm trước. Những tư duy đổi mới vượt qua khó khăn không cam chịu lạc hậu đi thẳng vào công nghệ hiện đại và đến cả tư duy quản lý phải theo kịp phát triển là bài học còn nguyên giá trị để đến ngày hôm nay.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đã có thời điểm Việt Nam đi sau thế giới về triển khai công nghệ mới như 4G. Nhưng với 5G, Việt Nam đã đi cùng thế giới.
Bộ TT&TT cho rằng, hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế, trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng. Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Mục tiêu năm 2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Trong các lần thay đổi công nghệ viễn thông trước đây đã để lại cho Việt Nam bài học quý báu là làm chủ công nghệ. Nhưng, với 5G - lần đầu tiên trong lịch sử ngành viễn thông, Việt Nam bước vào công nghệ mới do chính Việt Nam sản xuất. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.
Thái Khang