
Xung quanh vấn đề về việc Mỹ muốn áp thuế 46% với hàng Việt Nam, tại họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Công Thương chiều 4/4, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế, đồng thời có liên hệ ngoại giao qua nhiều kênh khác nhau, cố gắng thu xếp để có cuộc điện đàm giữa bộ trưởng với Trưởng Đại diện Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR).
“Điện đàm luôn cần có hai bên. Về phía Việt Nam, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng nhiều nội dung mà phía Mỹ quan tâm, bao gồm các vấn đề về thuế, chính sách xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu… cũng như các nội dung liên quan cần được giải thích rõ ràng, cụ thể hơn”, ông Tân cho biết.
Về phía Mỹ, theo Thứ trưởng Tân, Bộ Công Thương đang đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ tích cực, chủ động liên hệ với các kênh liên quan, nhằm sớm cập nhật thông tin.
Tuần tới, đoàn công tác của Việt Nam do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu sẽ sang Mỹ. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng với tinh thần chủ động, sẵn sàng trao đổi ngay khi có cơ hội gặp gỡ.
“Ngay sáng nay, tôi đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề đàm phán mức thuế với phía Mỹ. Hiện các phương án phối hợp và triển khai đã được chuẩn bị sẵn sàng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Ngoài các vấn đề liên quan đến Mỹ áp thuế hàng Việt Nam, tại họp báo, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) nhấn mạnh về việc đa dạng hóa mặt hàng, thị trường xuất khẩu cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng là nhiệm vụ Bộ Công Thương đặt ra từ trước.
Ông cho biết, Việt Nam hiện có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước có số lượng FTA nhiều nhất. Nhờ đó, những năm qua xuất nhập khẩu đã tăng trưởng vượt bậc, kim ngạch năm 2024 đạt gần 800 tỷ USD.
“Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đủ năng lực tận dụng cơ hội tại các thị trường như Mỹ, EU… Đây là những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao và các lô hàng lớn,” ông Linh cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, đối với các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tích cực thông qua hệ thống thương vụ và các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít kinh nghiệm xuất khẩu, việc được hỗ trợ và đào tạo là rất cần thiết để nắm bắt thông tin thị trường, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu và thị hiếu của đối tác. Thời gian qua, các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, hướng dẫn giúp doanh nghiệp thực thi các FTA, đồng thời cung cấp thông tin hỗ trợ.
Bên cạnh các FTA đã ký kết, ông Linh cho biết Bộ Công Thương đang tích cực thúc đẩy đàm phán với các nước tại khu vực Mỹ Latinh, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông… Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Brazil, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tranh thủ cơ hội để thúc đẩy đàm phán một FTA với khối Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (Mercosur) thông qua Brazil.
Trước mắt, Việt Nam và Brazil đã thành lập tổ công tác chung nhằm tìm giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, qua đó tiến tới đàm phán FTA.
“Chúng tôi cũng tiếp tục thúc đẩy FTA với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập và một số nước khác,” ông Linh nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhận định, do biến động từ một số thị trường nên thời gian tới xuất khẩu hàng hóa có thể giảm. Do đó, phải tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường mới, thay thế, đặc biệt là những thị trường Việt Nam đã có FTA để tận dụng tốt hơn các thị trường này, phát triển xuất khẩu hàng hóa.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Việt Nam là đa dạng hoá thị trường. Bởi, “trứng không bao giờ để chung vào một giỏ”, trong đầu tư cũng vậy. Do đó, phải tìm kiếm những thị trường mới, khai mở những thị trường tiềm năng.
Thứ trưởng khuyến nghị các doanh nghiệp ngoài rà soát hoạt động kinh doanh của mình, cần chủ động trao đổi với đối tác nhập khẩu các nước để cùng nhau đưa ra giải pháp phù hợp.
