- Có ý kiến cho rằng, dấu ấn bất động sản 2023 là khó khăn bao trùm và nỗ lực gỡ vướng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản năm vừa qua?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: Năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước, với nhiều nguyên nhân.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc, phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương... tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nhiều dự án bất động sản tại nhiều địa phương cơ bản đã được các địa phương giải quyết, tháo gỡ nút thắt quan trọng với những kết quả rất đáng ghi nhận.
- “Nhà ở xã hội” là từ khoá được quan tâm trong năm 2023. Cùng với đó là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nhà ở xã hội vẫn khá “vắng bóng” trên thị trường. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng trên?
Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó đã tích cực tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản…
Kết quả là, đến cuối năm 2023, trên địa bàn cả nước đã có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng (trong giai đoạn 2021-2025).
Đây là kết quả hết sức đáng ghi nhận đối với các địa phương trong bước đầu triển khai thực hiện Đề án.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân hiện nay còn chậm.
"Gói 120.000 tỷ đồng chưa đủ hấp dẫn"
- Theo phản ánh của người mua nhà là công nhân, người có thu nhập thấp thì mức lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng vẫn ở mức cao so với khả năng tài chính của người mua. Trong khi về phía chủ đầu tư, dự án khó được địa phương thông qua nên khó tiếp cận nguồn vốn. Ông nhìn nhận sao về vấn đề trên?
Việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng còn chậm, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, các địa phương phê duyệt dự án chậm.
Nhiều địa phương đã có dự án tuy nhiên chưa lập danh mục, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã được tổ chức tín dụng hướng dẫn các thủ tục vay vốn nhưng chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định.
Ngoài ra, lãi suất gói 120.000 tỷ còn cao, thời gian cho vay ngắn hạn nên chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp hoặc người dân vay vốn.
Với quan điểm triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không chỉ để "giải cứu" thị trường bất động sản trước mắt mà đáp ứng mục đích lâu dài (giai đoạn 2023-2030) góp phần thực hiện Đề án về nhà ở xã hội, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp.
Trong đó, đôn đốc các địa phương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng thương mại có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tiếp tục giảm lãi suất và kéo dài thời hạn vay vốn ưu đãi.
- Giá nhà ở đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều người dân hiện nay. Chuyên gia cho rằng, để khơi thông thị trường bất động sản 2024 cần giải quyết được sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm. Trong năm 2024, thị trường bất động sản có thể sẽ diễn tiến như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Mặc dù thị trường bất động sản vừa trải qua một quãng thời gian đầy khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, thị trường bất động sản năm 2024 có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững bởi nhiều yếu tố.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai đang dần được hoàn thiện một cách đồng bộ, đáp ứng với yêu cầu từ thực tiễn.
Vừa qua, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong năm 2023 phải kể đến như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, các Nghị định quy định về đất đai, xây dựng, giao dịch trái phiếu.
Điều này sẽ giúp cho các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, qua đó sẽ gia tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Thứ hai, nguồn vốn cho thị trường bất động sản dần được khơi thông.
Thứ ba, công tác phát triển nhà ở xã hội được quan tâm, chú trọng đẩy mạnh.
Thứ tư, công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản đang được triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ Trung ương tới các địa phương.
Tổ công tác 1435 của Thủ tướng Chính phủ đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản dưới nhiều hình thức
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về đầu tư, đất đai để sớm triển khai các dự án mới.
Đồng thời chủ động thành lập các tổ công tác và tích cực vào cuộc, cùng rà soát trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang còn vướng mắc trên địa bàn, giải quyết ngay các vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
Thứ năm, không chỉ ở khu vực nhà nước mà các doanh nghiệp bất động sản cũng đã chủ động cơ cấu lại nguồn lực đầu tư, cơ cấu lại các phân khúc sản phẩm, điều chỉnh giá cả hợp lý, tiếp tục tập trung thực hiện các dự án đang dang dở và triển khai thêm các dự án mới.
Có thể nói trong thời gian qua, với sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và chung tay của doanh nghiệp, người dân, thị trường bất động sản được dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!