- Khi các cơ quan nhà nước tổ chức thi tuyển công chức hay có chuyện nhờ vả, gửi gắm nên người tổ chức thi thường phải chịu sức ép rất lớn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ.
>> Dân chủ hóa công tác cán bộ
Theo Thứ trưởng, một số địa phương tự quy định thêm tiêu chuẩn, điều kiện trong tuyển dụng công chức như quy định phải có hộ khẩu nổi lên mới đây hay phân biệt bằng chính quy với bằng tại chức trước đây là trái quy định.
Đặt ra các điều kiện như vậy sẽ tạo rào cản rất lớn trong việc thu hút nguồn nhân tài về địa phương...
Áp hộ khẩu dễ bề tuyển người nhà
Theo ông, vì sao pháp luật không quy định nhưng các địa phương lại tự đặt ra các điều kiện?
Khách quan là ở nhiều địa phương, số lượng biên chế công chức có hạn nên tạo ra sức ép từ dư luận, sức ép từ các “mối quan hệ”. Khi tổ chức thi thường có chuyện nhờ vả, gửi gắm nên cơ quan tổ chức tuyển dụng chịu sức ép rất lớn.
Mọi người vẫn nói rằng làm tổ chức thì không mong được khen mà chỉ mong nếu bị chê thì chê ít thôi.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Trần Thường |
Về mặt chủ quan, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng khi tổ chức tuyển dụng chưa đảm bảo tuân thủ pháp luật và khách quan, công bằng.
Chính vì vậy, khi bị các sức ép nêu trên, một số địa phương đã đưa thêm ra một số quy định hạn chế lượng người đăng ký, giảm tỷ lệ cạnh tranh với hy vọng sẽ giảm được sức ép. Họ không nghĩ rằng làm như vậy là trái luật.
Vấn đề này đặt ra cho chúng ta là cần tiếp tục đổi mới phương thức tuyển dụng công chức làm sao để thực hiện tốt nguyên tắc: mọi công dân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có cơ hội như nhau tham gia vào nền công vụ.
Nếu pháp luật cho phép các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng được bổ sung thêm một số tiêu chuẩn nhất định, thì đó phải là những tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của vị trí việc làm, chứ không phải là những tiêu chuẩn hạn chế quyền của công dân.
Liệu việc này có tạo điều kiện cho tình trạng “con ông cháu cha”, “cả họ làm quan” nổi lên trong thời gian qua?
Liên quan đến vấn đề người nhà, họ hàng thân thích hay các mối quan hệ thân thiết, thì điều kiện hạn chế người tỉnh ngoài dự tuyển sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho những người trong tỉnh, trong đó có thể có cả “người nhà” và “các mối quan hệ thân thích” tại địa bàn tuyển dụng.
Việc này đã vi phạm 1 nguyên tắc quan trọng trong tuyển dụng, đó là làm giảm tính cạnh tranh, thu hẹp sự lựa chọn người vào làm công chức. Đấy là điều tồn tại cần phải được khắc phục ngay để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là “tuyển người tài, không tuyển người nhà”.
Những câu chuyện cả họ làm quan hay con cháu các cụ cũng từ đấy mà ra.
Nên cấm tự ý đưa ra các rào cản
Chủ trương rất rõ là “trải thảm đỏ” đón nhân tài nhưng nhiều ý kiến cho rằng “trên trải thảm” nhưng “dưới rải đinh”. Tình trạng này diễn ra lâu nay nhưng vấn đề là địa phương làm không đúng luật vẫn không bị xử?
Thực tế cho thấy việc thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tất nhiên ngoài hộ khẩu còn nhiều yếu tố khác như bố trí, sử dụng, chính sách đãi ngộ, tiền lương, môi trường làm việc.
Nhưng tôi chắc chắn rằng hộ khẩu không thể và không bao giờ thay cho tài năng được. Chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước đã rõ ràng rồi nhưng quá trình thực hiện không đúng thì phải xử lý các cá nhân và tổ chức làm sai.
"Xử nghiêm các sai phạm pháp luật tự khắc 'không nhổ mà sẽ sạch đinh'" - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn |
Vấn đề của chúng ta là chế tài chưa đủ để xử lý, nhiều nơi làm sai chưa bị xử lý. Dù Bộ Nội vụ và các cơ quản lý nhà nước có đề nghị nhắc nhở, yêu cầu làm cho đúng nhưng họ “không làm đúng vẫn không sao cả”.
Vì vậy sắp tới, luật Cán bộ công chức cần sửa đổi và bổ sung chế tài xử lý các vi phạm này. Đồng thời Bộ đang nghiên cứu sửa Nghị định 24 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức sẽ bổ sung thêm chế tài xử lý các vi phạm trong tuyển dụng công chức.
Nếu vi phạm liên quan đến hành chính thì xử lý kỷ luật, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố, còn gây thiệt hại về kinh tế thì phải bồi thường thiệt hại.
Cùng với việc tăng cường và nhấn mạnh tính trách nhiệm người đứng đầu cơ quan được giao thẩm quyền tuyển dụng, xử lý nghiêm các sai phạm pháp luật tự khắc “không nhổ mà sẽ sạch đinh”.
Đồng thời, nên bổ sung quy định cấm việc tự ý đưa ra các rào cản trong tuyển dụng trái với quy định của pháp luật.
Cả nhà làm quan huyện: Đẩy tới đẩy lui đều anh em cảUB Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã báo cáo vụ việc tới Ban thường vụ Tỉnh ủy để xác minh thông tin “cả nhà làm quan huyện". Cả họ làm quan: Lỗ thủng ở đâu?Với quy trình, tiêu chuẩn, quy hoạch chặt chẽ, làm sao có kẽ hở, chứ đừng nói là lỗ thủng trong công tác cán bộ, làm sao đưa con cái lên làm quan? Mẹ bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ sao tìm ra người tài?Dư luận đã quá ngán với câu chuyện "cả họ làm quan", mẹ quyết định bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ. Người tài, người nhà: Điều tiếc nuối của vụ trưởngChúng ta có các học viện quản lý, hành chính nhưng thiếu trường đào tạo năng lực làm giám đốc sở, vụ trưởng, thứ trưởng. |
Thu Hằng