Thứ trưởng TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết, trong năm 2023, nhiều vụ việc sử dụng trạm thu phát sóng (BTS) giả phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của người dân đã bị xử lý.
Sáng 17/1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Xử lý dứt điểm 17 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin
Tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết, trong những năm qua ngành TT&TT đã nỗ lực thực hiện, hoàn thành nhiều nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được thì vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, trong năm 2023, vẫn còn tình trạng sử dụng trái phép thông tin tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng phần mềm làm giả căn cước công dân để đăng ký SIM với số lượng lớn; bán SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao.
Nguy hiểm hơn còn có tình trạng thu thập, đánh cắp, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân; lừa đảo chiếm đoạt SIM để chiếm đoạt mã, tài khoản ngân hàng; gọi điện thoại, nhắn tin giả mạo các cơ quan chức năng đe dọa, lừa đảo, yêu cầu người dân nộp tiền để chiếm đoạt tài sản
Tình trạng phát tán, chia sẻ, thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân vẫn còn xảy ra.
Đặc biệt, riêng trong năm 2023, có nhiều vụ việc sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật đã bị xử lý.
“Đây là hình thức mà các đối tượng phạm tội sử dụng thiết bị công nghệ để phát tán tin nhắn lừa đảo, giả mạo để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của người dân. Số lượng tin nhắn có thể lên tới 80.000 – 100.000 tin nhắn/ngày. Đây cũng là một nguồn phát tán tin nhắn rác”, Thứ trưởng TT&TT nêu thực tế.
Theo phân tích của Thứ trưởng TT&TT, do thiết bị này rất nhỏ gọn, mang được trên xe ô tô nên có nguy cơ các đối tượng có thể sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn kích động bạo loạn, khủng bố tại nhiều địa điểm.
Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp hết sức chặt chẽ của các đơn vị chức năng của Bộ Công an, riêng trong năm 2023 Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm minh 19 vụ việc sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên các nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử vẫn còn phổ biến. Sau đó, các đối tượng còn lợi dụng mạng bưu chính để vận chuyển hàng hóa này gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Để ngăn chặn tình trạng này, trong năm 2023, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà soát, phát hiện, thu hồi 60 giấy phép bưu chính.
Trong năm qua, toàn ngành TT&TT đã triển khai hơn 200 cuộc thanh tra, gần 1.000 cuộc kiểm tra; ban hành hơn 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; ban hành hơn 200 quyết định xử lý vi phạm về quản lý thông tin thuê bao di động.
“Công tác rà soát, ngăn chặn tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không chính chủ trong năm 2023 đã có một bước tiến lớn”, ông Phương nhấn mạnh.
Đơn cử như Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để rà soát, phát hiện xử lý thuê bao có thông tin không chính xác, đầy đủ theo quy định.
Đến tháng 5/2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành đối soát thông tin của 125 triệu thuê bao. Trong đó có hơn 108 triệu thuê bao (86,53%) có thông tin trùng khớp; gần 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp. Đến tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông xử lý dứt điểm 17 triệu thuê bao.
Ngoài ra, việc Bộ Công an triển khai thành công và đưa vào sử dụng CSDL về dân cư đã hỗ trợ rất lớn cho Ngành TT&TT để có dữ liệu “gốc” phục vụ cho việc đối chiếu, xác thực bảo đảm thông tin thuê bao thông tin đúng quy định. Từ đó góp phần làm giảm đáng kể các hoạt động lợi dụng thuê bao di động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường đấu tranh chống hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin không đảm bảo chất lượng, không chứng nhận, công bố hợp quy, gắn nhãn hàng hóa đảm bảo đúng quy định trước khi lưu thông ra thị trường.
Thứ trưởng TT&TT đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hướng dẫn, cung cấp thông tin về dấu hiệu hàng giả, hàng lậu, hàng cấm để các doanh nghiệp bưu chính có biện pháp tiến hành rà soát, phòng ngừa việc gửi hàng lậu, hàng giả, hàng cấm qua mạng bưu chính hiệu quả hơn.
Ông Bùi Hoàng Phương cũng mong, các bộ, ngành căn cứ phạm vi quản lý Nhà nước trên môi trường thực tiến hành dịch chuyển công tác quản lý lên môi trường số để kịp thời phát hiện, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quy định của pháp luật trên không gian mạng; kịp thời phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý, ngăn chặn các đối tượng vi phạm trong và ngoài nước, trên các nền tảng thương mại điện tử trên không gian mạng.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng gia tăng
Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, nhóm tội phạm liên quan tới chiếm đoạt tài sản gia tăng, nhất là lừa đảo trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn, gây thiệt hại trên diện rộng.
Đáng chú ý, tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên với hành vi lừa đảo qua mạng gia tăng; tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua không gian mạng với số tiền lớn, biến tướng nhiều hình thức; mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân, tấn công mạng, phát tán mã độc, vi rút máy tính, phần mềm gián điệp, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để phạm tội, hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh…
Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực, Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 cũng thông tin, trong năm qua nổi lên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vận chuyển trái phép ma túy, vật liệu nổ, động vật hoang dã, ngoại tệ, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng điện tử,… qua dịch vụ bưu chính viễn thông, chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa, hành lý.
Đáng chú ý là việc lợi dụng môi trường thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến để kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Các đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh có mạng lưới bao phủ rộng khắp cả nước và ở nước ngoài để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, không rõ nguồn gốc,…
Theo ông Hải, các đối tượng triệt để lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Vì vậy, Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo tiếp tục thực hiện các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa, cảng hàng không quốc tế, trong hoạt động thương mại điện tử.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ TT&TT kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng SIM không chính chủ. Bởi đây chính là công cụ tội phạm lợi dụng để phạm tội trên không gian mạng, chiếm đoạt tài sản của công dân.
Kết quả năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ).
Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 14.865,347 tỷ đồng (tăng 17,30% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).