Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu của 4 địa phương là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên tổ chức ngày 2/3, ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, than thở: Thời gian để 1 container của doanh nghiệp đi từ Hải Phòng đến châu Âu mất 70 ngày trong khi từ Thái Lan tới châu Âu chưa tới 40 ngày.
“Một container 5.000 quả bưởi đỏ, khởi hành từ Hòa Bình ngày 24/11/2022, 3 ngày tới Hải Phòng. Nhưng đến ngày 3/2/3023 mới cập cảng ở London, mất gần 2,5 tháng. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn xuất khẩu ớt, mía..., nhưng kiểm tra chuyên ngành qua rất nhiều thủ tục, mất rất nhiều thời gian. Trong khi doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay ngân hàng tới 9%. Nói như vậy để thấy, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh thế nào”, ông Thức nói.
Ông Bùi Châu Giang, đại diện doanh nghiệp Dầu ăn Thực vật Cái Lân, kể, thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn gia súc yêu cầu khắt khe, riêng lấy mẫu để có giấy phép nhập khẩu phải mất 2-3 ngày. "Thủ tục kiểm tra chất lượng với thức ăn gia súc lại nghiêm ngặt hơn cả đối với kiểm tra chất lượng dầu ăn cho người", ông Giang so sánh.
Ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, bổ sung: một lô hàng phải kiểm tra thực tế thủ công hay soi chiếu có thể tốn vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, các chi phí đưa phương tiện trong cảng, chi phí lưu kho bãi, đưa các container lên phương tiện soi chiếu đều tăng. "May mắn thì được thông quan ngay, nếu không thì lại quay về cảng, hạ xuống. Một doanh nghiệp có hàng trăm lô hàng mỗi tháng, mỗi lô vài chục container, riêng việc soi chiếu đã mất rất nhiều thời gian và chi phí. Nên chăng, hải quan có sự hỗ trợ doanh nghiệp kiểm tra trong lúc lưu bãi, đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp", ông Phương kiến nghị.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI - cũng như khảo sát của các hiệp hội, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc lớn...
Phản hồi tại hội nghị, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, khẳng định rằng, năm nay, tình hình kinh doanh còn khó khăn, nên ngành hải quan xác định mục tiêu là giảm chi phí cho doanh nghiệp.
"Các bộ, ngành và doanh nghiệp cùng phải ngồi lại để xem phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành vướng ở đâu, vì sao chưa nhanh gọn, chưa cập nhật thông tin, không để tình trạng như doanh nghiệp nói là khai, thông quan điện tử nhưng đến điểm chốt cuối cùng lại phải mang tờ khai đóng dấu đến; doanh nghiệp đã nộp thuế qua online nhưng phải nộp bản chụp cho hải quan", ông Cường nói.
Lãnh đạo ngành hải quan cũng cam kết sẽ ưu tiên các lĩnh vực có nhiều vướng mắc để tìm giải pháp cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành. "Ngay sau hội nghị này, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước", ông Cường cho hay.