Ngay sau khi đến Bắc Kinh, chiều tối 25/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc gặp gỡ cán bộ cơ quan đại diện và bà con kiều bào tại Trung Quốc.
Chuyến thăm lịch sử
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022 được nước bạn gọi là chuyến thăm lịch sử, đánh dấu mốc son trong quan hệ 2 nước.
Tại chuyến thăm này, hai bên đã đạt được thỏa thuận cấp cao về định hướng chiến lược phát triển quan hệ hai nước thời gian tới và nhìn lại quan hệ hai nước thời gian qua. Nhiều thỏa thuận giữa hai bên được nâng cao nhận thức chung, ký kết nhiều hợp tác thực hiện trong thời gian tới.
“Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tốt hơn. Mặc dù thời gian chuyến thăm tính đến nay chỉ có 6 – 7 tháng nhưng cả hai bên đều đánh giá và nhận thức như vậy”, Thủ tướng khẳng định.
Chuyến thăm của Thủ tướng lần này nhằm mục đích tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận, kết quả đạt được từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Hai nước Việt Nam – Trung Quốc sông liền sông, núi liền núi có những lúc thăng trầm nhưng nhìn tổng thể quan hệ hai nước đang tốt lên và chúng ta có trách nhiệm thúc đẩy quan hệ này tốt đẹp hơn nữa”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng nhắc lại những năm tháng chống dịch Covid-19, Việt Nam đã trải qua quãng thời gian không thể nào quên nhưng qua đó cho thấy kinh nghiệm, giữ được bản lĩnh vượt qua khó khăn.
“Với cương vị của mình, tôi luôn xác định lúc nào cũng có khó khăn, không có khó khăn này thì có khó khăn khác”, Thủ tướng nói.
Nhắc lại các đường hướng chống dịch của Việt Nam, Thủ tướng đề cập đến chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí lớn chưa từng có.
Tổ ngoại giao vắc xin ra đời trong một đêm rất khó khăn đầu tháng 8/2021. Đây là một quyết định sáng suốt, triển khai rất nhanh với tinh thần “vay, xin, cho, mượn miễn là có vắc xin”, “vắc xin hiệu quả nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Trong đó, Việt Nam đã mua nhiều nhất là vắc xin từ Trung Quốc.
Để mua được lượng vắc xin 40 triệu liều từ Trung Quốc trong khoảng 10 ngày, khi đó, Thủ tướng đã viết thư cho Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Theo Thủ tướng, nhờ kiểm soát dịch bệnh mà kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, năm 2022 hơn 8%, năm nay 3%, các cân đối lớn được đảm bảo.
Tới đây, Thủ tướng cho biết tình hình còn nhiều khó khăn. “Sức khỏe” của doanh nghiệp sau trận ốm Covid-19 đã bị bào mòn, không thể ngày một ngày hai hồi phục được.
Thêm vào đó là những tác động từ tình hình thế giới tác động đến Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng hy vọng với kinh nghiệm vuợt qua khó khăn từ đại dịch, cùng với việc điều chỉnh nhiều chính sách, thời gian tới tình hình đất nước sẽ tốt lên.
Cuộc sống dù ở đâu thì cũng cần khẳng định địa vị pháp lý
Thủ tướng cho biết, hiện có 42.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Trung Quốc. Đây chính là cầu nối rất quan trọng trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước. “Hai nước sông liền sông, núi liền núi không thể bỏ nhau được”, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta luôn xem cộng động người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.
Tinh thần này thể hiện rõ trong Nghị quyết 36 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Thủ tướng cho biết, mới đây Quốc hội thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Căn cước công dân.
Trong đó có xác định một số vấn đề liên quan đến việc hợp thức hóa người ở nước ngoài không có giấy tờ, xác định địa vị pháp lý thì xử lý thế nào?
“Quan trọng nhất trong cuộc sống dù ở đâu thì cũng cần khẳng định địa vị pháp lý. Cho nên chúng ta cố gắng khẳng định địa vị pháp lý cho bà con chưa có giấy tờ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong một số trường hợp người dân ra đi vì nhiều lý do, hoàn cảnh khác nhau. Trước đây đất nước khó khăn nên bà con ra đi bằng các hình thức không hợp pháp, giấy tờ không có, kể cả ở Lào, Campuchia thì đấy là vấn đề nổi lên chúng ta phải giải quyết.
“Tinh thần là Đảng và Nhà nước cố gắng xác định địa vị pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài để cho bà con yên tâm học tập, nghiên cứu, làm ăn sinh sống hợp pháp”, Thủ tướng khẳng định và cho biết, Chính phủ đang cố gắng và phải đấu tranh, quan hệ tốt với các nước về việc này.
Thu Hằng (từ Bắc Kinh, Trung Quốc)