Tuần trước, truyền thông Australia đưa tin, ông Morrison hồi đầu tháng 3 đã khước từ đề nghị chính thức của tân Đại sứ Trung Quốc Xiao Qian về một cuộc gặp giữa họ.
"Chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục từ chối đối thoại với các bộ trưởng và thủ tướng Australia, tôi nghĩ đó là một phản ứng hoàn toàn tương xứng", ông Morrison nói với các phóng viên cuối tuần qua.
Người đứng đầu chính phủ Australia giải thích thêm rằng, người dân nước này sẽ coi là không phù hợp nếu ông có cuộc đối thoại với đại sứ Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh đã ngăn chặn các tiếp xúc cấp bộ trưởng. "Đó sẽ là một minh chứng cho sự yếu kém và tôi có thể đảm bảo với các bạn trên cương vị thủ tướng rằng, đó sẽ là thông điệp cuối cùng tôi muốn gửi tới Trung Quốc", ông Morrison nhấn mạnh.
Theo đài RT, Đại sứ Xiao rốt cuộc đã gặp Ngoại trưởng Australia Marise Payne. Sự kiện không mang lại bất kỳ đột phá ngoại giao nào, nhưng vẫn trở thành cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa giới chức hai nước trong gần 2 năm qua.
Tại các cuộc hội đàm với đại diện lĩnh vực tư nhân trong những tuần gần đây, ông Xiao đã truyền tải một thông điệp từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến nhà chức trách Australia rằng: "Australia đã đối xử với Trung Quốc như kẻ thù. Australia phải quyết định xem họ là kẻ thù hay bạn của Trung Quốc".
Đây nhiều khả năng sẽ là một quyết định phức tạp đối với Canberra, xét đến thông tin rò rỉ gần đây về dự thảo thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon, vốn có thể dẫn đến việc Bắc Kinh thiết lập một căn cứ hải quân ở châu Đại Dương. Ông Morrison nhấn mạnh, một diễn biến như vậy là "mối quan ngại lớn của gia tộc Thái Bình Dương".
Australia đang duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ ở quần đảo Solomon, viện trợ tài chính và an ninh cho quốc đảo này. Quân đội và cảnh sát Australia sẽ lưu lại đây cho đến tháng 12/2023 sau khi được triển khai đến Solomon vào năm 2019 để giúp dập tắt các cuộc bạo động bắt nguồn từ việc chính quyền địa phương quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc).
Canberra gần đây cũng chỉ trích Bắc Kinh vì "im lặng" trước chiến dịch tấn công quân sự của Nga ở Ukraine và việc Chính phủ Trung Quốc từ chối áp bất kỳ hình thức trừng phạt nào chống Moscow.
Ngược lại, Trung Quốc tỏ ra phẫn nộ khi Australia gia nhập liên minh an ninh 3 bên mới AUKUS với Mỹ và Anh hồi năm ngoái và dự kiến sẽ được London và Washington trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh - Canberra xấu đi nghiêm trọng vào năm 2020 khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của Covid-19 và cách đại dịch lây lan ra bên ngoài biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Australia, bao gồm cả than đá, lúa mạch và tôm hùm.
Tuấn Anh
>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên Vietnamnet
Australia cáo buộc Trung Quốc 'chiếu tia laser' vào trinh sát cơ
Thủ tướng Australia Scott Morrison cáo buộc Bắc Kinh có 'hành vi đe dọa', sau khi tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser vào một trinh sát cơ của Australia hồi tuần trước.