Ngày 12/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.

Thông tin tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan báo chí, truyền thông cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo kịp thời, thông suốt, kịp thời nắm bắt thông tin dư luận; chủ động cung cấp tài liệu, thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức.

{keywords}
Báo chí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Phạm Hải

Các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính.

Thủ tướng lưu ý, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm. Cùng với đó là có biện pháp đấu tranh hiệu quả trên mạng xã hội xuyên biên giới vào Việt Nam. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thực hiện định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan chủ động cung cấp thông tin nhằm định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa xấu độc, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Đồng thời, đổi mới cách thức, nội dung, hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao hiệu quả tuyên truyền; coi trọng nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc, bảo đảm thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ ngành thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, báo chí, mạng xã hội; chấn chỉnh xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động thông tin, báo chí và trên không gian mạng.

Cùng với đó, xây dựng các kênh thông tin trên mạng xã hội đủ mạnh, bằng nhiều thứ tiếng để chủ động đấu tranh với luồng thông tin xấu độc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an toàn thông tin trên không gian mạng.

Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin báo chí; kiến thức, kỹ năng thông tin, tuyên truyền về an ninh, quốc phòng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ, phóng viên, của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông; chủ động cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các vấn đề dư luận xã hội quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, khen thưởng kịp thời những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin, quán triệt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc và quân đội...

Đối với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu phối hợp với bộ ngành có liên quan, địa phương cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; tổ chức đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động xây dựng các kênh thông tin trên mạng xã hội đủ mạnh bằng nhiều thứ tiếng để đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Báo chí trong nước chủ động thông tin chính thống, kịp thời định hướng dư luận, lan tỏa thông tin tích cực, nâng cao nhận thức của nhân dân trước các thông tin sai sự thật, các hành động vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, an ninh quốc gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kịp thời cung cấp thông tin về các vấn đề quốc tế, đối ngoại, chính sách đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đối với những sự kiện quốc tế quan trọng trong khu vực và quốc tế có liên quan đến Việt Nam.

Đồng thời, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia tổ chức quảng bá, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động cung cấp thông tin về những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc để các cơ quan thông tin báo chí thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức văn hóa, lịch sử và kỹ năng tuyên truyền.

Xem toàn văn chỉ thị tại đây

Thu Hằng

Vì sao Việt Tân duy trì 1.000 tài khoản trên mạng xã hội để chống phá bầu cử?

Vì sao Việt Tân duy trì 1.000 tài khoản trên mạng xã hội để chống phá bầu cử?

Âm mưu của chúng là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.