Sáng 10/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được kết nối với 63 tỉnh, thành và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Mở đầu phát biểu, Thủ tướng chia sẻ, năm 2022 qua đi để lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngoại giao rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, "có niềm vinh dự, tự hào vì những thành quả; có sự tâm tư, lo lắng xen lẫn nuối tiếc, trăn trở về những gì chưa làm được; nhưng cũng có niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của ngành thời gian tới...".
Thủ tướng bày tỏ sự kỳ vọng lớn vào các thế hệ cán bộ ngoại giao, vì khi vào được ngành thì phải trải qua rèn luyện, nỗ lực lớn, được thừa hưởng kinh nghiệm, truyền thống của các lớp cha anh đi trước và được giao lưu, học hỏi từ nhiều nền văn hóa khác nhau tạo nên tầm nhìn, bản lĩnh.
Nói về điểm nhấn trong năm 2022, Thủ tướng cho biết, ngành Ngoại giao và các bộ ngành đã phối hợp chuẩn bị chuyến thăm tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11/2022). Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa khác nhau, quan trọng với cả hai nước, được chuẩn bị rất kỹ.
Điểm nhấn tiếp theo, ngành Ngoại giao đã tham mưu tốt để Việt Nam có quan điểm, ứng xử phù hợp đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trong năm 2022, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh toàn diện, thể hiện qua gần 70 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó có 14 chuyến thăm đến 17 nước; tham dự 5 hội nghị quốc tế đa phương; hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới; tiếp đón 19 đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, những dẫn chứng trên cho thấy quan điểm xuyên suốt của Việt Nam về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với tất cả các nước, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển; là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Qua đó góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Với phương châm "bằng tất cả hình thức qua các kênh miễn là có vắc xin, vắc xin tốt nhất là vắc xin có sớm nhất", công tác ngoại giao vắc xin được triển khai linh hoạt, hiệu quả, thiết thực. Thủ tướng yêu cầu từ hoạt động này cần tổng kết, rút kinh nghiệm để lấy đó làm bài học cho những tình huống tương tự.
Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội, trong đó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến đầu tiên với các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện và cơ quan thương mại ở nước ngoài.
Cùng với đó là những thành tựu trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao hợp tác phát triển; ngoại giao văn hóa, đàm phán phân giới cắm mốc biên giới…
Thủ tướng cho rằng, để có được những thành tích như trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, toàn ngành đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tiển khai theo chức năng nhiệm vụ chủ động tích cực. Toàn ngành đã có sự nỗ lực và Bộ Ngoại giao đã có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả với các bộ ngành, địa phương.
Tại hội nghị, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những thành tựu, kết quả của ngành ngoại giao, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2022.
Trong năm 2023, với những trăn trở, lo toan mà lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã nêu ra, Thủ tướng mong muốn sớm khắc phục, "tránh những hậu quả trong thời gian tới đây. "Các đồng chí cố gắng giữ gìn, tất cả vì sự nghiệp lớn của quốc gia, dân tộc", Thủ tướng nhắn nhủ.
Với cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu "đoàn kết, gắn bó, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Lấy tình cảm, sự yêu thương, vị tha làm gốc, đừng vì cá nhân mình, và phải công khai, minh bạch".
Chính phủ đã xác định phương châm hành động năm 2023 là "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả". Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhất trí với chủ đề hành động năm 2023 của ngành Ngoại giao là "Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, sáng tạo, vượt mọi thách thức, phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước".
Thủ tướng khẳng định, trong tình hình hiện nay càng cần bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Ngoại giao và các ý kiến tham luận.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tinh thần chung là tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc đối ngoại và ngoại giao Hồ Chí Minh; quán triệt nghiêm túc và luôn bám sát chủ trương của Đại hội XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao cần chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước; bảo vệ "từ sớm", "từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", không để bị động bất ngờ về chính sách đối ngoại; dám nghĩ, dám làm, bắt kịp với xu thế mới.
"94 cơ quan đại diện phải là tai mắt, tập trung công việc, tham mưu, nghiên cứu chiến lược, tổng kết đánh giá tin cậy cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ", Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về nhiệm vụ trung tâm là phục vụ phát triển đất nước theo hướng bền vững, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đồng thời thúc đẩy tìm những cơ hội mới, thị trường mới, lĩnh vực mới, tranh thủ tối đa những cơ hội thuận lợi của môi trường quốc tế, nguồn lực bên ngoài cho phát triển.