Sáng 16/12, tiếp tục các hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm bàn tròn và tiếp đại diện nhiều doanh nghiệp lớn Nhật Bản.
Dự án Ô Môn kéo dài 20 năm đã giải quyết
Thủ tướng nêu rõ, những ý kiến góp ý và kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản đều được ghi nhận và sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách cơ quan điều phối với các cơ quan và tổ chức liên quan, xem xét để có các giải pháp phù hợp.
Đánh giá cao các ý kiến tại đối thoại, nhất là về lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, mà hai bên đang quyết liệt thực hiện, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện thể chế liên quan Luật Đất đai, Dầu khí, Điện lực…. là môi trường sinh thái để phát triển xanh.
Cạnh đó, Việt Nam từng bước hoàn thiện chính sách mua bán điện trực tiếp, mua bán chứng chỉ carbon; hoàn thiện các thể chế có tính ưu đãi nội hàm phát triển xanh; phát triển hạ tầng số; phát triển nông nghiệp xanh như xây dựng chương trình phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực cho phát triển…
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp tài chính hỗ trợ phát triển xanh, hạ tầng y tế, giao thông xanh; chuyển giao công nghệ; góp phần đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện quản trị xanh.
Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng nhắc đến dự án Ô Môn kéo dài 20 năm qua đến nay đã giải quyết được để phát triển Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, trong đó Nhật Bản đã đầu tư một nhà máy nhiệt điện ở đây. Vấn đề còn lại là việc đàm phán mua khí, bán điện, Thủ tướng đề nghị phía Nhật Bản làm việc với PVN, EVN. Chính phủ sẽ có các chính sách ưu đãi, đồng thời chỉ đạo Bộ Công thương sửa các quy định liên quan.
Liên quan vấn đề khó khăn về thủ tục hành chính, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản để cải tiến, giải quyết cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, trong đó tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua mạng.
Tại cuộc tiếp Chủ tịch Tập đoàn MUFG Mike Kanetsugu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị MUFG có thêm các chính sách hỗ trợ Việt Nam phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển khoa học công nghệ.
Đây là những ưu tiên mà Việt Nam đang tập trung phát triển, trong đó có phát triển công ty tài chính, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM, Đà Nẵng. Theo Thủ tướng, cần có thay đổi chiến lược về đầu tư. Với tiềm lực của MUFG có thể hỗ trợ Việt Nam thay đổi chiến lược này.
Việt Nam muốn MUFG tham gia tái cấu trúc các ngân hàng ở Việt Nam, trước hết cần tái cấu trúc Vietinbank ổn định và phát triển, đi đúng hướng, tăng cường chuyển đổi số, tăng cường hoạt động an toàn, lành mạnh, hỗ trợ hiệu quả phát triển các ngành mới nổi và cả lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội.
Chủ tịch MUFG cho biết các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo chính là nền tảng để phát triển bền vững. Ông hy vọng kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và MUFG đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển này.
Đề nghị JETRO tham vấn cho Việt Nam xây dựng chính sách các ngành mới nổi
Trưa cùng ngày 16/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và ông Masahiko Kato, Chủ tịch ngân hàng Mizuho của Nhật.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch JETRO bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư giữa hai nước.
Đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của JETRO tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị JETRO tiếp tục phối hợp các cơ quan Việt Nam triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.
Thủ tướng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch.
Thủ tướng đề nghị JETRO tham vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi tập trung các ngành mới nổi như: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư về vốn, chuyển giao công nghệ, thể chế quản lý hiện đại; khai thác các cơ chế sẵn có của 2 nước về chuyển đổi xanh như JETP, Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á” (AZEC).
Tại cuộc tiếp Chủ tịch ngân hàng Mizuho, Thủ tướng cho biết Chính phủ, các cơ quan phía Việt Nam ghi nhận các đề xuất của Mizuho và sẽ xử lý nhanh theo thẩm quyền.
Thủ tướng đề nghị Mizuho ủng hộ, tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém của Việt Nam và có chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.