Chiều 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Chương trình Dấu ấn Techfest 2023 với chủ đề “Phát huy tài nguyên đất nước, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập Quốc tế”. Sự kiện do Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức.
Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, những năm vừa qua, Hệ sinh thái khởi nghiệp-Đổi mới sáng tạo (HST KN ĐMST) Việt Nam đã và đang có xu hướng phát triển tích cực.
Các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới về chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các HST KN toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, việc phát triển HST KN-ĐMST với mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp KN-ĐMST, tạo ra giá trị vượt trội.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, quy mô và hiệu quả hoạt động của HST KN-ĐMST quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và nâng tầm cao chất lượng hoạt động; thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực trong và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi tất cả cùng chung tay với tư duy mở, hợp tác đa phương, tương tác nhiều chiều và thực thi đổi mới sáng tạo thực chất và hiệu quả.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sự kiện được tổ chức tại TP.HCM sẽ có đóng góp tích cực cho phát triển HST KN-ĐMST và tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Theo ông Mãi, TP.HCM xác định KN-ĐMST là động lực tăng trưởng quan trọng nên đã triển khai nhiều giải pháp, như hỗ trợ tiếp cận với nguồn vốn, thị trường, công nghệ và nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
Từ đó, đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, đưa TP.HCM xếp hạng 114/1.000 thành phố có hệ sinh thái năng động toàn cầu, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về giá trị HST.
Ông Mãi thông tin, TP.HCM chuẩn bị ra mắt Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, chuẩn bị đề án hình thành Viện công nghệ tiên tiến & ĐMST, Trung tâm cách mạng 4.0, định hình lại chiến lược thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp dựa trên công nghệ và ĐMST.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 với các chính sách vượt trội và các nền tảng sẵn có, TP.HCM đang quyết tâm hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm KN-ĐMST năng động bậc nhất ở Đông Nam Á và khu vực; trở thành đô thị sáng tạo ngang tầm khu vực trong 10 năm tới”, ông Mãi khẳng định.
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho sự đột phá
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, sự lựa chọn mang tính chiến lược; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng phát triển nhanh, bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định và hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, hiện nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, kiều bào ở nước ngoài đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trong đó, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có trị giá hàng trăm triệu, hàng tỷ USD đã và đang hình thành, phát triển không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Điều đó cho thấy, trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt, ý chí người Việt từng bước khẳng định và vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng Hệ sinh thái khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với khu vực và trên thế giới; chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam.
Vì vậy, theo Thủ tướng, để thu hẹp khoảng cách phát triển và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu về KN-ĐMST, cần tập trung thực hiện tốt sáu nhiệm vụ cơ bản.
Thứ nhất, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương, quốc gia.
Thứ ba, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ, sản phẩm mới…
Thứ tư, phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, "vườn ươm sáng tạo", trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện, trường là chủ thể nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ sáu, tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau.
“Thông qua sự kiện này, tôi kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại; có động lực mạnh mẽ, nhiệt huyết, niềm tin và đam mê cháy bỏng, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, dám khởi nghiệp để tạo nên những điều kỳ diệu, những “kỳ lân" tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.