Những dấu mốc quan trọng
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản cân đối trong cơ cấu sản phẩm bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình như hiện nay.
Theo thống kê, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2022, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với khoảng 157.100 căn. Đạt 41,7% kế hoạch và đang triển khai thực hiện 418 dự án với khoảng 432.400 căn. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành 126 dự án với khoảng 62.700 căn hộ và đang triển khai 127 dự án khoảng 160.900 căn hộ; nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp đô thị, đã hoàn thành 181 dự án với khoảng 94.390 căn hộ và đang triển khai 291 dự án với khoảng 271.500 căn hộ.
Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Bộ Xây dựng, trong đó Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025.
Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01 vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đề án. Đến nay, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2. Bên cạnh đó các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.
Thủ tướng đôn đốc quyết liệt gỡ khó
Tại Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Công điện gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ: Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, ngày 24 tháng 5 năm 2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW nhằm giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương:
Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 và các nghị quyết của Chính phủ, công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương lập kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, hoàn thành trong năm 2024.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội; thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản quy định một số nội dung đã được giao tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; rà soát các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Hoàn thành trong năm 2024.
Về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà lưu trú công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân; thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Về đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội:
Tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội được giao trong năm 2024; Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội. Tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai công khai minh bạch.
Đối với các dự án đã khởi công xây dựng, thường xuyên đôn đốc để sớm hoàn thành dự án, tổ chức nghiệm thu, sớm đưa vào sử dụng.
Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng;... để sớm nhất khởi công, xây dựng.
Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương lập quy hoạch; thẩm định báo cáo tiền khả thi; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.
Về nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội: Tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp. Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các luật này; Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật. Phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt thúc đẩy giải ngân Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.