Vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót có quy mô 1.800 ha, sản xuất tập trung các loại cây ăn trái: Xoài, nhãn, mận hậu, thanh long, là vùng nguyên liệu chính cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Còn Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Giao tại huyện Mai Sơn có diện tích gần 9 ha là tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc, nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, nhà máy chế biến rau quả, đồ hộp công nghệ Italy, Nhật Bản, Đức, sử dụng nguồn nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La.
Tại mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại xã Hát Lót, báo cáo Thủ tướng, người dân cho biết hiện có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình hợp tác xã trồng xoài với diện tích hơn 70 ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng mỗi ha, cao hơn khoảng 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía…
Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu, có bước bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi.
Thủ tướng đánh giá việc "đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là thay đổi tư duy quan trọng, giúp cơ cấu lại cây trồng, thay đổi thói quen canh tác, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trên đất.
Thủ tướng biểu dương người dân nơi đây đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.
Điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện đời sống người dân. Không chỉ giúp bà con khấm khá hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…
Như bà con chia sẻ, "trước kia trồng ngô thì đá cứ cao lên mãi" do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. Bà con cũng cho biết, một "bí quyết" để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ kỹ thuật ghép mắt. Theo đó, bà con sử dụng gốc cây xoài bản địa rất khỏe và thích ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây, ghép với mắt của giống xoài mới cho quả to hơn, ngon hơn, đẹp hơn.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các cơ quan tổng kết những bài học kinh nghiệm từ mô hình này.
Theo đó, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu đi cùng việc cơ cấu lại cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, phát triển thị trường, chú trọng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề luôn phải đặt ra để hỗ trợ người nông dân.
Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình sản xuất, chế biến mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra, khảo sát, dự lễ khởi công một số công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh Sơn La, thị sát hiện trường dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đưa Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm phát triển của Sơn La và Tây Bắc
Trong buổi sáng, Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Thiên đường sữa Mộc Châu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk tại huyện Mộc Châu. Dự án được đầu tư 3.000 tỷ đồng, quy mô dự kiến 4.000 con, 1.000 tấn sản phẩm/ngày, theo Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 2385/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh Sơn La. Dự án được triển khai theo mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa, nhà máy chế biến sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Sơn La có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc Tây Bắc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, có vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ luôn trăn trở với những khó khăn, luôn quan tâm tới vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tiếp nối truyền thống đoàn kết, vượt khó, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu, có bước bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi với việc đổi mới tư duy, "đưa cây ăn quả lên sườn dốc". Điều này là một ví dụ cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, mang lại của cải vật chất, cải thiện đời sống người dân.
"Sơn La đã thay đổi rất nhiều, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Cách đây mấy năm, không ai nghĩ Sơn La có thể trồng được các loại cây ăn quả phong phú, càng không nghĩ là Sơn La có thể xuất khẩu được các loại hoa quả như hiện nay. Tỉnh đã thực hiện thành công chủ trương của Đảng về cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp, tại vùng đất khó khăn này", Thủ tướng ghi nhận.
Thủ tướng cho biết cách đây nhiều năm, ông đã từng cùng lãnh đạo tỉnh và các cơ quan liên quan đưa một số loại cây trồng mới về Mộc Châu. Cao Nguyên Mộc Châu là vùng đất có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ, với diện tích hơn 1.000 km2, điều kiện tự nhiên rất đặc trưng, nhưng cần cơ chế, chính sách, tầm nhìn phù hợp để phát triển mạnh mẽ.
Sơn La nói chung và Mộc Châu nói riêng có điều kiện phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và cả công nghiệp chế biến. Thủ tướng đề nghị tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu và nhà đầu tư hợp tác triển khai dự án theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, kết nối chuỗi giá trị, phát triển kinh tế số, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để phát triển nhanh, bền vững. Từ đó, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng hoan nghênh dự án Thiên đường sữa đã đi theo hướng này và tin tưởng, với kinh nghiệm thành công ở nhiều nơi, Vinamilk sẽ tiếp tục thành công tại Sơn La với một tâm thế mới.
Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư chú trọng xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ, bình đẳng, cùng thắng, cùng có lợi với người dân trên tinh thần "hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tăng cường chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân. Trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, phải phấn đấu để người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sơn La phải rà soát lại quy hoạch để sử dụng hiệu quả vùng đất Mộc Châu theo định hướng nói trên; nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, giải quyết vấn đề hạ tầng.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, Chính phủ sẽ có trách nhiệm cùng với Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh trong khu vực để cải thiện hơn nữa kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế.
Thủ tướng mong muốn, chính quyền, doanh nghiệp, người dân cùng cố gắng thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác Hồ, "Luôn luôn cố gắng/khắc phục khó khăn/tiến lên thật hăng/làm tròn nhiệm vụ", để Mộc Châu trở thành trung tâm kinh tế lớn, trung tâm phát triển nhanh và bền vững của Sơn La và Tây Bắc.
Thị sát hiện trường dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu
Tiếp đó, Thủ tướng thị sát dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (tỉnh Sơn La) tại điểm cuối tuyến (nút giao với Quốc lộ 43, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu).
Trước đó, tối ngày 27/5, ngay sau khi tham dự kỳ họp Quốc hội và tiếp Giám đốc Tập đoàn Intel, Thủ tướng đã đi thị sát thực tế hiện trường dự án cao tốc này tại điểm đầu tuyến (tiếp nối với đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình).
Dự án cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 85 km, trong đó trên địa phận tỉnh Hòa Bình khoảng 49 km (đi qua TP. Hòa Bình, huyện Đà Bắc) và trên địa phận tỉnh Sơn La khoảng 36 km (đi qua huyện Vân Hồ, huyện Mộc Châu).
Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Sơn La, các bộ, ngành Trung ương báo cáo về phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này, các đề xuất, kiến nghị.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu theo hình thức đối tác công-tư. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án theo hình thức này gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do vậy, UBND tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã kiến nghị dừng thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP và chuyển hình thức đầu tư sang đầu tư công.
Trong tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 465/QĐ-TTg về việc dừng thực hiện dự án này theo phương thức PPP; giao UBND các tỉnh Sơn La, Hòa Bình chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất dừng triển khai dự án PPP; có phương án xử lý dứt điểm đối với các nội dung công việc đã thực hiện của dự án trước đây, không để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (trong đó có hình thức đầu tư công) để tiếp tục triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu theo quy hoạch (nghiên cứu kế thừa các hồ sơ, tài liệu trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật).
Tại các buổi thị sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải đề cao trách nhiệm tham gia của các bên trong triển khai dự án. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, cùng với Trung ương nghiên cứu phương án bố trí, thu xếp nguồn vốn cho dự án phù hợp với các đoạn tuyến.
Các địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, dồn nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vừa phối hợp vừa thi đua để thực hiện các công việc, sẵn sàng triển khai dự án khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Thủ tướng cũng lưu ý, việc xây dựng cầu Hòa Sơn trên tuyến cao tốc này phải bảo đảm cả yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật, để cây cầu trở thành điểm nhấn đẹp trên sông Đà. Việc này không làm tăng nhiều chi phí nhưng sẽ mang lại giá trị lớn cho hoạt động du lịch; việc thi công có thể thêm ngày, thêm tháng, nhưng sẽ tạo thêm giá trị trong hàng trăm năm.
Thủ tướng nêu rõ, vùng Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông do điều kiện hạ tầng, nên đòi hỏi đầu tư lớn. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng thêm các nút giao phù hợp để khi tuyến đường này hoàn thành thì giá trị đất đai tăng lên, tạo không gian phát triển mới về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... cho khu vực.
Việc hoàn thành dự án cao tốc này sẽ giúp thay đổi tình trạng Quốc lộ 6 là đường độc đạo; cùng với các dự án khác để cơ bản hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, để các địa phương trong vùng có đường ra biển thuận tiện hơn, có thêm động lực để phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới, góp phần thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Khai thác tiềm năng du lịch Mộc Châu
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng khảo sát thực tế, nghe báo cáo việc triển khai quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu, trong đó có khu dịch vụ cửa ngõ của trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu.
Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương triển khai các công việc đã bố trí được vốn, huy động các nguồn lực, trước hết là cho kết nối hạ tầng giao thông và hạ tầng điện, nước..., từ đó thu hút các nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng tới thăm điểm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Mông, tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tìm hiểu về tình hình hoạt động, những khó khăn, thuận lợi về con người, văn hóa, thiên nhiên... để phát triển du lịch, việc thu hút du khách sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thu nhập người lao động, đời sống người dân...
Thủ tướng biểu dương bà con đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình. Đánh giá vấn đề khó khăn nhất với địa phương là giao thông, Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, du khách tới vùng đất đầy tiềm năng này.
Theo VGP
Nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhận định, nông nghiệp, nông thôn đang khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế. Tuy nhiên, các tác động khách quan như thiên tai, dịch bệnh… gây thiệt hại lớn cho người nông dân.