Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chiều 16/4, Thủ tướng và đoàn công tác khảo sát tổ hợp sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo với công suất 500 MW của tập đoàn BIM tại huyện Thuận Nam.
Theo báo cáo, cánh đồng muối sạch Quán Thẻ có sản lượng 300.000 tấn/năm, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để sản phẩm muối sạch chất lượng cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Còn 3 công trình điện mặt trời và nhà máy điện gió có tổng công suất 500 MW, góp phần cung cấp năng lượng sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cả nước.
Theo chủ đầu tư, các công trình này góp phần khai thác tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo bằng cách tối ưu nguồn tài nguyên đất tại Ninh Thuận, nơi có nhiều nắng và gió nhất Việt Nam. Vùng đất đang sản xuất muối công nghiệp chính là địa điểm thích hợp để triển khai các dự án điện mặt trời và đặc biệt là xây dựng các cột điện gió công suất lớn.
Lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết qua khảo sát bước đầu, ông đánh giá cao hiệu quả của mô hình này, đồng thời đề nghị địa phương, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu phát huy hơn nữa các tiềm năng của địa phương, khai thác, sử dụng tốt nhất các nguồn lực trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cùng địa phương phát triển theo chiều sâu, bền vững, chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ...
Thủ tướng đề nghị chú trọng đào tạo nâng cao trình độ người lao động và gợi ý phát triển lĩnh vực hóa chất trên cơ sở các lĩnh vực đã đầu tư.
Cũng tại đây, Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi, động viên các diêm dân đang làm việc tại dự án. Thủ tướng bày tỏ phấn khởi khi được các diêm dân cho biết công việc đỡ vất vả hơn so với cách làm muối truyền thống do cơ giới hóa nhiều hơn, ứng dụng nhiều khoa học, công nghệ, nhưng thu nhập bảo đảm hơn. Ông cho rằng, việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư phải góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đây cũng là định hướng lớn nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Trước đó, trong buổi sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới khảo sát công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái.
Ninh Thuận là tỉnh khô hạn nhất nước. Trong những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận đã xảy ra nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng. Năm 2020, Ninh Thuận phải khoanh vùng bỏ vụ 16.831 ha diện tích cây trồng để ưu tiên nước cho sinh hoạt và các mục đích thiết yếu khác.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 21 hồ chứa với tổng dung tích hơn 194 triệu m3, thường xuyên thiếu nước vào mùa hạn. Vì vậy, Cụm công trình hồ chứa nước Sông Cái, thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dung tích lớn hơn 21 hồ chứa hiện có, hoàn thành sẽ đóng vai trò rất lớn đối với tỉnh.
Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Cụm hồ Sông Cái gồm 5 đập dài 2.770 m, cao 66 m, dung tích 219 triệu m3. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tưới cho 7.480 ha hạ lưu; tiếp nước hệ thống thủy nông Nha Trinh-Lâm Cấm, các hồ Cho Mo, Thành Sơn, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh; tạo nguồn cho thủy điện tích năng Bác Ái và 2 Nhà máy thủy điện. Đồng thời tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh (Khánh Hòa), giúp giảm nhẹ lũ hạ du và nuôi trồng thủy sản lòng hồ.
Tại công trình, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi liên quan tới khả năng đáp ứng của hồ chứa nước Sông Cái với cả tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh xung quanh như khu vực nam Khánh Hòa.
Theo báo cáo, dung tích hồ đã được nâng từ 65 triệu m3 lên 219 triệu m3 với diện tích 11 km2, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu khu vực bắc Ninh Thuận. Công trình cũng có thể đáp ứng cho khu vực nam Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 50 triệu m3 mỗi năm, hệ thống kênh mương kết nối dài 14 km với kinh phí 370 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Đánh giá hồ chứa nước Sông Cái cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong khu vực, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu sử dụng hiệu quả hơn nữa lòng hồ, mặt hồ, như khả năng phát triển điện mặt trời trong khu vực hồ trên cơ sở tính toán khoảng cách từ hồ tới đường dây tải điện quốc gia; phát triển du lịch; nuôi trồng thủy sản theo hướng bảo đảm môi trường.
Các địa phương cần tính toán, lựa chọn cây trồng, vật nuôi theo hướng sử dụng tốt nhất, hiệu quả nhất nguồn nước. Muốn vậy, phải phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ tại khu vực.
Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương chăm lo tốt nhất đời sống người dân trong vùng, nhất là với những hộ dân đã nhường đất ở, đất sản xuất cho công trình, phải bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.
Theo VGP