Ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Theo Chỉ thị, việc triển khai Đề án 06 là nội dung quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại, hạn chế là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai Đề án.
Thủ tướng yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành khẩn trương khắc phục những nhiệm vụ chậm tiến độ; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC, không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định.
Cung cấp tiện ích, quản lý xã hội trên VNeID
Thủ tướng giao Bộ Công an cung cấp tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID, đặc biệt là quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…. Tích hợp ứng dụng VNeID với dịch vụ cho người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Công an triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế trước khi đề xuất nhân rộng trên toàn quốc.
Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về 2 dịch vụ công liên thông "đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí" theo trình tự thủ tục rút gọn.
Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng mô hình mẫu về bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn, tổ chức thí điểm trong năm 2024 tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Bình Dương và phát triển mô hình trên diện rộng.
Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án cấp "Tài khoản an sinh xã hội" để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội gắn với số định danh cá nhân trên ứng dụng VNeID được nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản theo yêu cầu.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.
Bộ GTVT rà soát, làm sạch dữ liệu Giấy phép lái xe và đồng bộ dữ liệu trên ứng dụng VNeID; phối hợp Bộ Công an triển khai giải pháp sử dụng Giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID tại Bình Dương, hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT và cơ quan liên quan hướng dẫn vị trí việc làm, chế độ chính sách đối với nhân sự thực hiện quản trị, vận hành, phát triển hệ thống thông tin của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kết nối, chia sẻ giữa Hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản với Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhân rộng triển khai ứng dụng xác thực thông tin sinh trắc trên Căn cước công dân gắn chip tại bộ phận một cửa của cơ quan bảo hiểm xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thúc đẩy cấp tài khoản an sinh xã hội cho các đối tượng hưởng chính sách chưa có tài khoản; chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 100% người dân đã có tài khoản.