Chiều 15/5, theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt trí thức Việt kiều, thanh niên, sinh viên và cán bộ nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại New York.
Hơn 50 sinh viên, giảng viên người Việt Nam đang học tập và giảng dạy tại một số trường Đại học của Mỹ tham dự buổi gặp mặt.
Bây giờ không quá nặng nề làm việc trong nước hay ngoài nước
Em Đỗ Triệu Hải, học chính sách công tại Đại học Columbia gửi đến Thủ tướng câu hỏi về giải pháp thu hút chất xám vào khu vực công cũng như việc tháo gỡ trong việc chuyển bằng cấp giữa trong và ngoài nước.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, chuyển đổi bằng cấp là vấn đề nhiều người quan tâm. “Khi làm việc ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi rất muốn tuyển các sinh viên xuất sắc. Nhưng cái vướng của ta là câu chuyện chuyển bằng cấp”, Thủ tướng nêu thực tế.
Thủ tướng cho biết, để giải quyết việc này còn phải có sự đồng ý của nước cấp bằng. Thực tế có nước họ cấp một bằng nhưng có giá trị tương đương với bằng ở các nước khác. Hiện Chính phủ cũng đang tháo gỡ câu chuyện này nhưng không phải ta muốn là được mà họ phải muốn nữa.
“Chính phủ đang tập trung làm để tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em học ở bất cứ trường nào tương đương với hệ đào tạo đều được công nhận. Tất nhiên cả quá trình phải có đánh giá, xếp hạng cho phù hợp, trên cơ sở đó hai bên công nhận bằng cấp lẫn nhau”, Thủ tướng cho hay.
Còn làm sao tuyển dụng nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, theo Thủ tướng phải giải quyết 2 vấn đề quan trọng. Đó là lợi ích về vật chất và tinh thần của người đi làm.
"Khi tuyển dụng, chúng ta không thể lý tưởng hóa đi làm không cần vật chất mà phải nhìn nhận thực tế. Nếu nơi nào giải quyết 2 vấn đề này, đi làm thấy thoải mái, môi trường thân thiện, được trọng dụng, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện thì đấy là tinh thần. Còn vật chất là làm sao cho đủ sống. Những nơi thu hút nguồn lực chất lượng cao luôn luôn tạo được 2 điều này”, Thủ tướng phân tích.
Vì vậy, chúng ta phải nghĩ cách làm sao có thể vật chất chưa đáp ứng ngay nhưng tinh thần, môi trường làm việc phải đảm bảo minh bạch, công bằng. Còn về vật chất, hiện nay các chế độ chính sách tiền lương theo quy định chung. Chính phủ đang cố gắng làm sao lương đảm bảo nâng cao đời sống của người làm trong nhà nước.
Gần đây Đảng, Nhà nước có chủ trương cải cách tiền lương từ năm 2020 nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng nên việc nâng lương phải dừng lại. Khi dịch đã kiểm soát có thể sẽ nâng lương trong những năm tới đây.
“Thời chúng tôi đi học về có việc làm đã là quý lắm rồi, phải mất nhiều thời gian mới tìm được việc làm. Khi đất nước còn trong nền kinh tế quan liêu, bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, điều kiện hết sức khó khăn… Còn bây giờ quan trọng là năng lực, ý chí của mình như thế nào. Những người tài năng bao giờ cũng được lựa chọn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng thông tin, vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong đó có đưa ra một số trường hợp ưu tiên tuyển thẳng. Thực tế nhiều nơi cũng đã tuyển dụng những bạn sinh viên xuất sắc vào cơ quan nhà nước làm việc.
“Các bạn thấy ở đâu thuận lợi mà đóng góp cho đất nước thì các bạn lựa chọn. Điều đó chúng tôi khuyến khích. Nếu về nước không làm việc trong nhà nước thì các bạn làm việc ở các hãng nước ngoài có trụ sở trong nước, các công ty FDI… Bây giờ không quá nặng nề làm việc trong nước hay ngoài nước. Các bạn luôn luôn suy nghĩ làm gì để góp phần nào đó cho đất nước”, Thủ tướng nhắn nhủ và nhấn mạnh, dân có giàu thì nước mới mạnh.
Thế hệ chúng tôi chưa làm được thì thế hệ các bạn phải làm
Em Thắng Quang Ngọc, tốt nghiệp chính sách quốc tế đặt vấn đề về chủ trương thu hút FDI của Chính phủ như thế nào để đảm bảo minh bạch trong tiếp cận thông tin về giá đất, ưu đãi đầu tư: "Việt Nam có chính sách gì để thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp những giá trị tốt hơn, để chúng ta không là “công xưởng quốc tế” mà tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu?".
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, muốn thu hút FDI chất lượng phải có đường lối đúng, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, phù hợp với thế mạnh của mình. Ngoài điều kiện, lợi thế của đất nước phải tạo ra được khả năng cạnh tranh của đất nước mình, phải tạo sự khác biệt chứ không phải chỉ dựa vào những thứ sẵn có.
Đồng thời, phải có chính sách phát triển lâu dài, phù hợp với các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do với các nước trong đó có Mỹ. Cùng với đó là phải cải cách hành chính, đơn giản thủ tục. Chúng ta cũng phải phát triển hạ tầng cả về giao thông, y tế, giáo dục… để họ yên tâm đến đầu tư. Về môi trường sống, hệ sinh thái cũng phải phù hợp với văn hóa truyền thống của họ. Đặc biệt là phải đáp ứng cả về chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của họ.
Một du học sinh ngành xây dựng tại Mỹ gửi đến Thủ tướng ý nguyện về một cơ chế thu hút các kỹ sư người Việt Nam học ở nước ngoài tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam để giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
Thủ tướng cho biết, hiện đường sắt của ta do Pháp xây để lại. Đây cũng là một trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam. Một trong những đột phá chiến lược của ta hiện nay là hạ tầng giao thông, trong đó có đường sắt. Tuy nhiên hiện vốn trung hạn cho đường sắt chưa có nhưng về lâu dài là phải làm.
Theo Thủ tướng, việc làm đường sắt cao tốc cũng đang có nhiều ý kiến tranh cãi. Tuy nhiên mong muốn có đường sắt Bắc – Nam thì các thế hệ lãnh đạo và Thủ tướng rất mong muốn có tuyến đường sắt này.
“Chính phủ đang nghiên cứu phương thức để làm, có thể áp dụng phương thức đối tác công tư, làm từng đoạn như từ TP.HCM - Cần Thơ trước. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm làm những đoạn khác tiếp theo.
Tinh thần chung là phải làm. Thế hệ chúng tôi chưa làm được thì thế hệ các bạn phải làm. Đây là yêu cầu chung của phát triển hạ tầng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thu Hằng (từ New York, Mỹ)