Đây là hoạt động mang dấu ấn văn hóa và trải nghiệm trong lịch trình ngày thứ hai thăm Việt Nam của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, các điểm đến thăm đều chứa đựng những biểu tượng văn hóa, lịch sử mang hồn cốt của Hà Nội.
Đây cũng là một trong những điểm đến không thể thiếu của khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi tới Thủ đô.
Dạo bước trên con đường rợp bóng cây dẫn vào bên trong khu di tích, trước những công trình kiến trúc cổ, hai Thủ tướng cùng chiêm ngưỡng kiến trúc truyền thống, sự hài hòa giữa thiên nhiên và các công trình kiến trúc của Việt Nam nơi đây.
Thăm quan phòng trưng bày của khu di tích, Thủ tướng Luxembourg hiểu thêm về nền giáo dục khoa cử Nho học xưa như quy mô học tập, cách thức học tập, việc tuyển chọn nhân tài dưới các triều đại phong kiến xưa.
Chuyến tham quan để lại cho Thủ tướng Xavier Bettel nhiều ấn tượng tốt đẹp về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Ông bày tỏ ấn tượng và sự quan tâm đặc biệt tới 82 bia đá tiến sĩ - di sản Tư liệu thế giới và đánh giá cao lịch sử khoa cử Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Luxembourg đã đánh hồi trống Sấm tại Khu Thái học.
Kết thúc chuyến tham quan, Thủ tướng Xavier Bettel cùng các đại biểu cấp cao Luxembourg rất xúc động và bày tỏ lòng biết ơn trước sự đón tiếp nồng hậu của cán bộ và nhân viên Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Sau đó, hai Thủ tướng đã thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình), một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ, phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng được xây dựng vào năm 1937 và khánh thành vào năm 1963.
Bảo tàng nơi hội tụ và tôn vinh các tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam, trong đó có chín Bảo vật quốc gia. Hệ thống trưng bày của Bảo tàng thường xuyên giới thiệu gần 2.000 hiện vật, tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền, sơ sử đến ngày nay. Học tập, tương tác, trải nghiệm, sáng tạo trong không gian nghệ thuật là nét độc đáo của hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo đã thăm khu trưng bày các tác phẩm, hiện vật có giá trị lịch sử, mỹ thuật. Nơi đây đang lưu giữ gần 20 nghìn hiện vật, tác phẩm tiêu biểu gồm nhiều chất liệu đa dạng, với các loại hình phong phú. Đặc biệt là bộ sưu tập của các thế hệ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương có chỗ đứng quan trọng, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền Mỹ thuật Việt Nam.
Với chủ trương mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về lĩnh vực mỹ thuật và Bảo tàng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm giới thiệu các bộ sưu tập mỹ thuật tại các nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào…), đồng thời tổ chức nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật của các tổ chức, cá nhân họa sĩ nước ngoài tại bảo tàng.