XEM VIDEO:

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Joe Biden.

Sau hội kiến, hai nhà lãnh đạo cùng dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo bộ, ngành và 14 doanh nghiệp hai nước.

Đại diện doanh nghiệp hai bên đã trao đổi cởi mở, thẳng thắn và thực chất về cơ hội hợp tác đầu tư; trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực chính như công nghệ và đổi mới sáng tạo; đầu tư sản xuất; dịch vụ tài chính và fintech và thương mại, dịch vụ.

Các doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ quan tâm hợp tác với doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, sản xuất nhiên liệu sạch, hydrogen, công nghệ hàng không vũ trụ, an ninh mạng thông tin, trí tuệ nhân tạo…

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng mong muốn và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất chất bán dẫn, chip điện tử, phát triển mạng 5G, đào tạo nguồn nhân lực, ươm mầm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Hai nhà lãnh đạo dự tọa đàm với các doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều cho rằng sự hiện diện tại hội nghị của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là minh chứng rõ rệt, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ bước vào giai đoạn phát triển mới.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam xác định sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thủ tướng nhắc lại, một trong những trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden là "thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo". Như Tổng thống Joe Biden đã phát biểu, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là không có giới hạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện".

Trên tinh thần đó, Thủ tướng và Tổng thống Mỹ đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ. Thủ tướng đồng tình với Tổng thống về nhận định "Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để mở cửa tương lai của chúng ta".

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước dành thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực ưu tiên cho đầu tư khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng cho phát triển đất nước. Với phương châm "lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá", chính sách nhất quán của Việt Nam là kêu gọi đầu tư, mở cửa thị trường với tất cả các đối tác, doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm các doanh nghiệp Mỹ.

Việt Nam đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển ngành chuyển đổi số, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn, các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm tài chính; các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược quốc tế, trong đó có Mỹ.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị của Chính phủ Mỹ, nhất là Tổng thống Joe Biden; cũng như sự cam kết về vốn, khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, nhanh, bền vững và bao trùm.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, nguồn lực bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.

Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên sức mạnh mới, giá trị mới. Chúng ta hãy cùng hợp tác, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "thành công của các bạn là thành công của chúng tôi".

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định Việt Nam đã có thay đổi rất lớn trong gần 20 năm qua.

Hai nước đang có cơ hội thúc đẩy quan hệ, không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, đổi mới sáng tạo mà trên tất cả các lĩnh vực, nhằm mang lại sự phồn thịnh chung.

Ông hoan nghênh việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam vừa thỏa thuận với Tập đoàn Boeing để mua khoảng 50 máy bay phản lực Boeing 737 Max, dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 30.000 việc làm tại Mỹ.

Tổng thống Joe Biden khẳng định, trên tinh thần thật và chân thành, Mỹ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam để nắm bắt được hết các cơ hội tiềm năng của mình; đề nghị Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng tiếp tục hợp tác chặt chẽ, nhất là trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, điện toán đám mây, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là củng cố chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Tổng thống nhấn mạnh, việc hợp tác, chia sẻ không chỉ trong lúc phát triển thuận lợi, mà ngay cả khi khó khăn, rủi ro có thể xảy ra. Ông cho rằng trong 10 năm tới, những đổi mới công nghệ sẽ nhiều hơn trong 50 năm qua và sự phát triển này cũng mang lại những yếu tố rủi ro.

Đồng thời, Tổng thống đề nghị hai bên tiếp tục nỗ lực hợp tác về năng lượng tái tạo, không chỉ các nước phát triển mà tất cả các nước đều phải phát triển lĩnh vực này.

Tổng thống nhấn mạnh việc hai nước nâng tầm quan hệ hợp tác chỉ là điểm khởi đầu; hai nước, doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau củng cố, tăng cường hợp tác để tiến xa hơn trong tương lai, vì sự phồn thịnh của xã hội, lợi ích của nhân dân hai nước, vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ổn định và phồn thịnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng cường đầu tư mới và mở rộng tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.

Trong đó, các tập đoàn bán dẫn như Intel, Amkor, Marvell, Global Foundries và Hiệp hội bán dẫn Mỹ phát triển hệ sinh thái chip, bán dẫn, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để xây dựng trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam.

Bộ trưởng đề nghị Boeing phát triển hệ sinh thái sản xuất linh kiện, xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay (Hang-Ga) quy mô khu vực tại Việt Nam.

Google và các công ty công nghệ đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác AI và tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư có hiệu quả, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ.