Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cùng tham gia đoàn khảo sát của Thủ tướng.
* Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh nâng công suất Nhà máy từ 141.000 m3/ngày đêm lên 469.000 m3/ngày đêm; thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường nước thải sinh hoạt của khoảng 2 triệu người dân trên địa bàn 6 quân trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh và giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, Đôi, Tẻ.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA chiếm 90%; do các nhà thầu quốc tế thi công. Hiện, dự án đạt tiến độ 98%, đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục phụ trợ, vệ sinh tổng thể; dự kiến sau thời gian 3 tháng chạy thử, Nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động chính thức vào dịp 48 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/2023. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng là 1 trong 5 nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Đông Nam Á; khi đi vào hoạt động nhà máy chỉ cần 50 công nhân vận hành.
Sau khi nghe báo cáo về dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan dự án. Trong đó lưu ý hệ thống thu gom nước thải phải thu gom hết nước thải thuộc lưu vực để xử lý triệt để, không để nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường; việc xử lý nước thải không chỉ xử lý nước đủ tiêu chuẩn hòa vào môi trường mà phải xử lý cả mùi, bùn tử nước thải.
Bên cạnh đó, đầu tư công nghệ hiện đại nhất để nâng cao hiệu quả xử lý nước; tăng mức độ tự động hoá để giảm nhân công vận hành Nhà máy. Nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử lý, kể cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Thủ tướng cũng đề nghị các nhà thầu, công nhân làm việc tại dự án phối hợp với chủ đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo chất lượng và chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án.
* Cũng trong sáng 27/11, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác khảo sát Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành và Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bến Lức - Long có chiều dài 57,8 km, tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay (hơn 25.000 tỷ đồng) và vốn đối ứng gần 5.690 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ năm 2014, hiện đang vướng mắc về cơ sở pháp lý, trong đó có việc bố trí vốn.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, có tổng chiều dài dự án 6,92 km, điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối giáp với tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.498 tỉ đồng, đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2024. Hiện, công trình đã giải ngân được 211 tỷ đồng; đang tiếp tục giải phóng mặt bằng.
Sau khi nghe báo cáo về dự án, tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây đều là những tuyến đường quan trọng, có ý nghĩa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trung vùng. Do đó, các tuyến đường này phải được đâu tư mang tính lâu dài, đồng bộ, hiện đại, tránh phải đầu tư nhiều lần vừa lãng phí thời gian, công sức cho làm thủ tục, quản lý đầu tư...
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị và địa phương liên quan phối hợp xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất Chính phủ phương án tháo gỡ nếu vượt thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương, nhất là về việc bố trí vốn, thủ tục pháp lý, mô hình quản lý dự án... Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư các dự án phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, thủ tục, không cắt nát dự án, giảm số lượng nhà thầu, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Đối với Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất sạch cho thi công. Theo đó, xây dựng các khu tái định cư đảm bảo đầy đủ các yếu tố, điều kiện sinh sống cần thiết tốt hơn hoặc ít nhất là bằng với nơi ở cũ để người dân di dời đến, nhường đất cho công trình. Đặc biệt, nghiên cứu, khuyến khích người dân tự tái định cư để vừa đảm bảo theo nhu cầu người dân, vừa giảm phần việc cho chính quyền.
Cùng với đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, Thành phố cần triển khai song song các phần việc khác thuộc dự án như thủ tục đầu tư, bố trí vốn, chọn nhà thầu... để công trình được triển khai đúng tiến độ, chất lượng.
Theo TTXVN