Nhận lời mời của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Séc Petr Fiala, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Ba Lan, Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 WEF tại Davos, Thụy Sỹ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 15 - 23/1.
Với Ba Lan, chuyến thăm của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh năm 2025 hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025). Lãnh đạo hai nước đều mong muốn nâng tầm quan hệ song phương.
Hai nước có lịch sử quan hệ lâu đời, trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, hàng nghìn sinh viên Việt Nam đã đến Ba Lan để học tập, khi trở về nước công tác tại nhiều bộ ngành.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan tại Đông Nam Á và Ba Lan là đối tác ưu tiên của Việt Nam tại Trung Đông Âu. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch… cũng đạt nhiều kết quả tích cực.
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan là một trong những cộng đồng người nước ngoài được trân trọng và ngưỡng mộ nhất về sự cần cù, chăm chỉ với những đóng góp cho kinh tế, xã hội Ba Lan.
Với Séc, chuyến thăm cũng diễn ra khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025). Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước luôn được giữ gìn và phát triển.
Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, người lao động Việt Nam đã được Séc giúp đỡ sang học tập và lao động. Séc cũng là nước Trung Đông Âu đầu tiên cấp vốn ODA cho Việt Nam.
Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Cộng hòa Séc trong ASEAN. Séc là một trong những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Cộng đồng người Việt Nam tại Séc có gần 100.000 người, là cộng đồng người Việt đầu tiên tại nước ngoài được công nhận là dân tộc thiểu số năm 2013. Cộng đồng người Việt Nam tại Séc có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển quan hệ hai nước, được Chính phủ Séc đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi.
WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. WEF có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN…
Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tham dự Hội nghị thường niên WEF.
Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.